Là sự kiện thứ 2 trong năm của Fujifilm, X-Summit Sysney 2024 mang đến cho người dùng toàn cầu những thông tin mới nhất về Fujifilm X-T50 và GFX 100S II – bản nâng cấp cho hai dòng máy tiền nhiệm là X-T30 II và GFX 100S với những sự bổ sung rất nhiều công nghệ mới. Đồng thời, nhà sản xuất cùng lần lượt giới thiệu hai ống kính mới dành cho hai hệ máy X-Series và GFX-Series. Hãy cùng Anh Đức điểm qua những nét chính trong cả 4 sản phẩm vừa được ra mắt tại sự kiện này.
Fujifilm X-T50
Tại sự kiện Fujifilm X-Summit Sysney, chiếc máy Fujifilm X-T50 đón nhận đông đảo sự chú ý đến từ các nhiếp ảnh gia và người yêu Fujifilm. Chiếc máy là sự kết hợp giữa kiểu dáng máy ảnh cổ điển của dòng X100VI và sự linh hoạt trong việc lựa chọn ống kính yêu thích từ các dòng X-Series, hướng đến các nhiếp ảnh gia ưu tiên một sản phẩm đầy tính phong cách hơn so với mặt hiệu năng. Hãy cũng điểm qua những chi tiết đáng chú ý trên chiếc máy này.
Vòng xoay chọn giả lập film
So với X-T30 II, Fujifilm X-T50 có sự thay đổi rõ rệt về mặt thiết kế với phần báng cầm lớn hơn, đồng thời cũng là chiếc máy đầu tiên có vòng xoay chọn giả lập film được đặt phía trên thân máy. Tại đây, người dùng có thể duyệt qua tất cả các giả lập film phổ biến nhất của hãng và thực hiện nhiều tinh chỉnh chuyên sâu cho mỗi giả lập này. Điều này cũng cho thấy định hướng của X-T50 sẽ hướng đến những người dùng mong muốn chụp được những tấm ảnh ưng ý để nhanh chóng chia sẻ lên lên mạng xã hội
Cảm biến và thiết kế thân máy
Bên trong một thân máy có kích thước nhỏ gọn và trọng lượng chỉ 440g là bộ cảm biến X-Trans CMOS 5 HR với độ phân giải 40MP cho phép ghi lại hình ảnh với độ chi tiết cao, đồng thời chiếc máy cũng được trang bị bộ xử lý X-Processor 5 với khả năng xử lý thông tin nhanh chóng. Nhờ vào hệ thống phần cứng này mà chiếc máy có thể đạt tốc độ chụp liên tục lên đến 8fps với màn trập cơ và lên đến 20fps với màn trập điện tử.
Không chỉ vậy, Fujifilm X-T50 cũng là chiếc máy bán chuyên được trang bị thêm bộ ổn định hình ảnh cho cảm biến với hiệu suất chống rung có thể lên đến 7 stops.
Cải thiện khả năng lấy nét và quay phim
Kế thừa hệ thống phần cứng từ X-T5, Fujifilm X-T50 cũng sở hữu hệ thống lấy nét tự động được hỗ trợ bởi AI, bao gồm khả năng nhận diện khuôn mặt/mắt cũng như phát hiện nhiều chủ thể khác bao gồm động vật, chim, phương tiện giao thông và nhiều hơn thế. Thêm vào đó, với việc được trang bị khe thẻ nhớ SD UHS-II tốc độ cao, X-T50 có khả năng ghi hình 6.2K/30p 4:2:2 10-bit trực tiếp trong máy, cũng như các chế độ HQ DCI4K/60p và DCI4K/30p sử dụng khung hình 6.2K để duy trì độ sắc nét của hình ảnh.
Fujifilm X-T50 cũng được bổ sung thêm profile màu F-Log2 với dải nhạy sáng có thể lên đến 13 stops, tạo điều kiện cho các nhà biên tập trong việc tái hiện màu sắc theo ý thích. Đồng thời chiếc máy có thể ghi hình ở hai định dạng ProRes và Blackmagic RAW thông qua bộ thu ngoài và có thời gian quay liên tục lên đến gần 60 phút.
Màn hình và kính ngắm
Fujifilm X-T50 sở hữu màn hình lật 3-inch với độ phân giải 1.84 triệu điểm ảnh tương tự như trên X-T5, nhưng chỉ có thể lật theo 2 trục thay vì 3 trục. Đồng thời, nhà sán xuất cũng trang bị kính ngắm EVF có độ phân giải 2.36 triệu điểm ảnh và độ phóng đại 0.62x, tuy nhỏ hơn một chút so với X-T5 nhưng hoàn toàn phù hợp đối với một thân máy nhỏ.
Kết nối đám mây
Mặc dù không nhắm đến nhưng người dùng chuyên nghiệp, Fujifilm X-T50 vẫn được cung cấp khả năng kết nối đám mây (Camera to Cloud) và kết nối nền tảng Frame.io mà không cần sử dụng thêm phụ kiện ngoài. Người dùng đã có tài khoản trên Frame.io có thể tự động tải ảnh và video trực tiếp lên nền tảng này khi kết nối máy ảnh với điện thoại di dộng đang có sẵn kết nối mạng.
Tùy chọn và mức giá cho Fujifilm X-T50
Dự kiến, Fujifilm X-T50 sẽ có mặt trên thị trường vào tháng 6 sắp đến với 2 lựa chọn bao gồm thân máy với mức giá khởi điểm là 1400 USD (khoảng 35.6 triệu) và combo với ống kính XC 15-45mm f/3.5-5.6 OIS PZ có mức giá 1500 USD. Người dùng sẽ có 3 tùy chọn màu sắc gồm đen, bạc than và bạc sáng.
Fujifilm GFX 100S II
Là chiếc máy ảnh Medium Format thứ 7 trong hệ thống GFX và là chiếc máy thứ 5 sở hữu cảm biến 102MP, Fujifilm GFX 100S II sở hữu nhiều tính năng giống với chiếc GFX 100 II được ra mắt cách cách đây chưa đầy 8 tháng, nhưng sở hữu thiết kế nhỏ và nhẹ hơn giống như hai chiếc máy tiền nhiệm là 100S và 50S II, phù hợp với những người dùng mong muốn có một chiếc máy Medium Format đầu tiên với giá cả phải chăng.
Cảm biến độ phân giải cao 120MP
Fujifilm GFX 100S II được trang bị cảm biến 102MP được giới thiệu trên mẫu máy GFX 100 II vào năm ngoái. Cảm biến này có sự cải tiến vượt trội trên cấp độ điểm ảnh giúp cải thiện chất lượng hình ảnh tổng thể và mở rộng mức ISO cơ bản là 80 so với mức 100. Chiếc máy được trang bị bộ xử lý mới nhanh hơn không chỉ giúp cải thiện tốc độ đọc, mà còn cho phép GFX 100S II đạt tốc độ chụp liên tục lên đến 7fps tương tự như GFX 100 II – một tốc độ chưa từng có trên dòng máy ảnh Medium Format.
Giống như các máy ảnh Fujifilm khác, GFX 100S II sở hữu hệ thống giả lập màu phim với 20 tùy chọn khác nhau, bao gồm giả lập màu mới nhất là Reala Ace. Ngoài ra, chiếc máy cũng có tính năng chụp ảnh siêu độ phân giải bằng thuật toán dịch chuyển điểm ảnh, kết hợp 16 ảnh RAW thành một ảnh 400MP duy nhất. Chế độ Read Color sẽ kết hợp 4 ảnh RAW giúp loại bỏ hiện tượng sai màu trên mỗi tệp ảnh 102MP. Cả hai chế độ này sẽ đều được xử lý bằng phần mềm chuyên dụng trên máy tính.
Bộ ổn định IBIS 8 stops
Nhờ việc kế thừa toàn bộ phần cứng từ dòng máy tiền nhiệm, Fujifilm GFX 100S II sở hữu hệ thống ổn định hình ảnh (IBIS) hứa hẹn hiệu quả chống rung đạt tối đa 8 stops, cho phép người dùng có thể chụp ảnh cầm tay. Với trọng lượng lên đến 883 gram, tuy là chiếc máy nhẹ nhất trong hệ thống GFX, nhưng nó vẫn là một chiếc máy ảnh lớn nên việc sở hữu một hệ thống IBIS hiệu quả giúp việc chụp ảnh khi cầm máy trên tay trở nên dễ dàng hơn.
Hệ thống lấy nét hỗ trợ bởi AI
Bên cạnh khả năng xử lý hình ảnh mạnh mẽ, Fujifilm GFX 100S II còn được kế thừa hệ thống lấy nét tiên tiến nhất từ GFX 100 II, với những cập nhật về thuật toán lấy nét và khả năng nhận diện chủ thể được hỗ trợ bởi AI như động vật, phương tiện giao thông, máy bay, côn trùng và nhiều chủ thể khác. Sự nâng cấp này giúp cải thiện hiệu suất lấy nét trên cả hai khía cạnh là tốc độ và độ chính xác.
Những thay đổi so với GFX 100 II
So với GFX 100 II, chiếc máy mới có một số thay đổi nhỏ để phùi hợp với giá thành và thiết kế. Fujifilm GFX 100S II được trang bị một kính ngắm EVF 5.76 triệu điểm ảnh với độ phóng đại 0.84x, một sự nâng cấp nhẹ so với kính ngắm chỉ 3.69 triệu điểm ảnh trên phiên bản tiền nhiệm, nhưng vẫn nhỏ hơn kính ngắm 9.44 triệu điểm ảnh so với người đàn anh GFX 100 II.
Thêm vào đó, GFX 100S II có khả năng quay phim ở độ phân giải 4K/30p, có thể ghi hình theo tiêu chuẩn ProRes (4:2:2 10-bit) thông qua bộ thu ngoài và được bổ sung profile màu F-Log2 với dải nhạy sáng đến 13 stops giúp cải thiện tính linh hoạt cho khâu hậu kì và chỉnh sửa màu sắc. Điều này là do chiếc máy đã được lược bỏ khe thẻ nhớ CFexpress Type B và chỉ sử dụng thẻ nhớ SD, do đó cũng không có khả năng ghi hình ở độ phân giải 8K/30p, 5,8K/30p và tiêu chuẩn ProRes trong máy như trên GFX 100 II.
Mức giá dành cho GFX 100S II
Dự kiến, Fujifilm GFX 100S II sẽ có mặt trên thị trường vào tháng tới với mức giá khởi điểm là 5000 USD (khoảng 127 triệu), một mức giá rất phải chăng. Ngoài ra, chiếc máy còn tương thích với phụ kiện mở rộng phần báng cầm máy ảnh MHG-GFX S để giúp người dùng thao tác máy dễ dàng hơn khi sử dụng với các ống kính tele kích thước lớn, sẽ được bán lẻ với mức giá 150 USD.
Ống kính Fujifilm XF 16-50mm f/2.8-4.8 R LM WR
Được xem là người kế nhiệm của ống kính XF 18-55mm f/2.8-4 – một trong những ống kính kit được đông đảo người dùng yêu thích và cũng đã có tuổi đời gần 12 năm, ống kính XF 16-50mm f/2.8-4.8 R LM WR được Fujifilm hứa hẹn sẽ có sự cải thiện về chất lượng quang học để phù hợp với những máy ảnh có độ phân giải cao, điều mà ống kính cũ chưa thể làm tốt.
Với tiêu cự tương đương 24-76mm trên khổ fullframe, Fujifilm cho biết ống kính mới có khả năng lấy nét tự động với tốc độ nhanh và độ chính xác cao. Thêm vào đó, ống kính có khoảng lấy nét tối thiểu chỉ 4cm trên toàn bộ dải tiêu cự và cho phép người dùng chụp ảnh cận cạnh ở khoảng cách chỉ 15cm tính từ phần đầu của ống kính, phù hợp cho việc chụp ảnh đồ ăn, đồ thủ công, thực vật và nhiều dạng chủ thể khác.
Ống kính có trọng lượng chỉ 240 gram và có cấu trúc chống chịu thời tiết nhờ vào các lớp bảo vệ tại 13 vị trí đặc biệt trên thân ống, đồng thời có khả năng hoạt động trong điều kiện nhiệt độ thấp đến -10 độ C. Cấu trúc quang học của ống kính bao gồm 11 thấu kính được chia thành 3 nhóm, trong đó có 3 thấu kính phi cầu và ba thấu kính tán sắc thấp, giúp ngăn chặn quang sai màu và duy trì độ phân giải cao trong toàn dải tiêu cự.
Không chỉ vậy, động cơ lấy nét trong ống kính là loại động cơ tuyến tính nhỏ gọn cho phép ống kính lấy nét nhanh với độ chính xác cao trong khoảng thời gian chỉ 0.015 giây và gần như hoạt động trong im lặng. Không chỉ vậy, thiết kế thu phóng bên trong giúp chiều dài của ống kính không thay đổi, qua đó giữ được trọng tâm của nó khi người dùng thay đổi tiêu cự. Dự kiến, Fujifilm XF 16-50mm f/2.8-4.8 sẽ có mặt trên thị trường vào tháng 6 năm nay với mức giá khởi điểm là 699 USD (17.8 triệu đông)
Ống kính Fujifilm GF 500mm f/5.6 R LM OIS WR
Song hành cùng với chiếc máy Medium Format GFX100S II là chiếc ống kính tele dài nhất mà Fujifilm từng sản xuất cho hệ máy GFX – GF 500mm f/5.6 R LM OIS WR. Với tiêu cự quy đổi tương đương trên khổ 35mm là 396mm, ống kính này phù hợp cho các nhiếp ảnh gia thuộc thể loại phong cảnh, thiên nhiên và thể thao. Nhà sản xuất cho biết, GF 500mm là một sự bổ sung thú vị cho hệ thống GFX khi mang đến một góc nhìn siêu tele độc đáo kết hợp với sức mạnh từ cảm biến 102MP.
Tuy được quảng cáo là một ống kính siêu tele tương đối nhỏ gọn, nhưng nó vẫn có trọng lượng lên đến gần 1,4 kg và chiều dài lên đến gần 25 cm, chỉ nhỉnh hơn người đàn em của nó là GF 250mm F4 khoảng 4cm về chiều dài và 50-gram về cân nặng. Để đạt được điều này, Fujifilm đã sử dụng các thấu kính phía trước tương đối nhỏ và xây dựng thân ống bằng hợp kim magie.
Về hệ thống quang học, GF 500mm f/5.6 R LM OIS WR có tổng cộng 21 thấu kính được sắp xếp thành 14 nhóm, trong đó có 5 thấu kính tán sắc thấp và 2 thấu kính tán sắc siêu thấp. Để làm giảm trọng lượng của toàn bộ ống kính, Fujifilm chỉ trang bị 2 thấu kính ở phần đầu ống kính với mỗi thấu kính có đường kính hơn 50mm và chỉ nặng gần 160 gram. Các thấu kính ở phía sau có kích thước nhỏ và nhẹ hơn giúp tối ưu kích thước và đảm bảo hiệu suất lấy nét tự động nhanh.
Fujifilm hứa hẹn rằng động cơ truyền động tuyến tính trên GF 500mm F/5.6 có khả năng lấy nét nhanh chỉ trong 0.31 giây trên máy ảnh GFX mới nhất. Cụm thấu kính lấy nét cũng nhẹ hơn một nửa so với ống kính GF 250mm, giúp ống kính này hoạt động nhanh hơn. Ống kính có khoảng lấy nét tối thiểu là 2.75m và trên thân ống có các công tắc giới hạn vùng lấy nét nếu các nhiếp ảnh gia không muốn lấy nét cận cạnh.
Ống kính GF 500mm f/5.6 R LM OIS WR có tính năng ổn định hình ảnh quang học (OIS) để giữ cho hình ảnh luôn sắc nét, ngay cả ở tiêu cự tele với hiệu suất lên đến 6 stops. Ống kính có có thể hoạt động cùng với bộ nhân tiêu cự GF 1.4x để nâng tiêu cự của ống kính là 700mm F/8, hoặc có thể thay đổi tiêu cự bằng chế độ Crop Mode. Dự kiện, ống kính này sẽ có mặt trên thị trường vào tháng sau với mức giá khởi điểm là 3500 USD (khoảng 89 triệu đồng).