Khẩu độ, tốc độ, ISO là gì? Mối liên hệ tương quan giữa ba yếu tố

0
1081

Khẩu độ, tốc độ, ISO là ba yếu tố cơ bản quyết định chất lượng của một bức ảnh, gây ảnh hưởng trực tiếp đến độ sáng, chi tiết và cả độ sắc nét nên được mệnh danh là tam giác phơi sáng. Để tạo ra một tác phẩm hoàn hảo nhất, các nhiếp ảnh gia cần phải nắm rõ mối tương quan giữa bộ ba này và thành thạo trong việc điều chỉnh, cân bằng sao cho phù hợp với từng tình huống cụ thể.

Khẩu độ ống kính (Aperture)

Khẩu độ là độ mở của ống kính, nó đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát lượng ánh sáng mà cảm biến máy ảnh (hoặc bề mặt phim) sẽ nhận được. Các giá trị khẩu độ ký hiệu bằng số f, chẳng hạn như f/1.2, f/1.4, f/2, f/2.8, f/4, f/5.6, f/8, f/11,…

Người dùng có thể thiết lập khẩu độ một cách dễ dàng bằng cách đóng mở các lá khẩu. Khi số f càng nhỏ thì độ mở khẩu càng lớn, ống kính thu được nhiều ánh sáng đi vào hơn. Ngược lại, số f càng lớn khẩu độ càng nhỏ, lượng ánh sáng vào đến cảm biến cũng sẽ thấp hơn đáng kể, khiến tổng thể bức ảnh trở nên tối đi.

Bên cạnh đó, khẩu độ không chỉ gây ảnh hưởng đến độ phơi sáng (exposure) của shot hình mà còn liên quan trực tiếp đến độ sâu trường ảnh (DOF – depth of field).

Theo đó, khi bạn khép khẩu số f lúc này sẽ tăng lên và vùng ảnh rõ nét sẽ càng sâu, còn nếu mở khẩu số f giảm xuống thì vùng ảnh rõ càng cạn. Chính vì vậy mà các nhiếp ảnh gia muốn tạo ra những shot ảnh có độ sắc nét duy trì từ trung tâm bức ảnh cho đến rìa hậu cảnh thì nên tăng số f lên.

Tốc độ màn trập (Shutter speed)

Màn trập (hay còn được gọi với tên cửa trập) là một phần quan trọng của máy ảnh, bất kể thuộc dòng máy nào DSLR hay mirrorless. Nó là một màn hình bằng kim loại nằm ngay trước cảm biến, chịu trách nhiệm điều tiết lượng ánh sáng đi vào bên trong khi máy hoạt động.

Tốc độ màn trập dùng để mô tả thời gian đóng mở nhanh hay chậm của màn trập để cảm biến thu sáng. Hoặc bạn cũng có thể hiểu một cách đơn giản đây là khoảng thời gian mà máy ảnh chụp một bức hình. Các chỉ số về tốc độ màn trập được đo bằng giây hay một phần của giây và biểu thị dưới dạng phân số, ví dụ như 1/30s, 1/250s, 1/500s, 1/1800s, 1/4000s, 1/8000s…

Trong 3 yếu tố khẩu độ, tốc độ, ISO thì shutter speed cũng ảnh hưởng đến độ sáng của hình ảnh. Cảm biến máy ảnh có thể thu được nhiều ánh sáng hơn trong trường hợp tốc độ màn trập chậm và tạo ra một bức ảnh đủ sáng. Trong khi, nếu bạn sử dụng tốc độ màn trập nhanh, thời gian phơi sáng sẽ ngắn lại, cảm biến chỉ tiếp xúc với một phần nhỏ của ánh sáng làm cho ảnh bị tối.

Bên cạnh đó, khi chụp ở tốc độ màn trập nhanh sẽ tạo ra hiệu ứng đóng băng chuyển động, vì vậy mà thường được sử dụng trong những tình huống chủ thể di chuyển nhanh như vận động viên thể thao, giúp đảm bảo ảnh rõ nét và không bị mờ nhoè.

Còn khi làm việc với tốc độ màn trập chập hơn, các nhà sáng tạo có thể thu được những vệt nhòe độc đáo trên ảnh, lý tưởng cho chụp ảnh thiên văn hoặc các đối tượng khác dưới điều kiện thiếu sáng. Ngoài ra còn thường dùng để tạo hiệu ứng chuyển động mờ cho những shot ảnh tĩnh trong quảng cáo về ô tô, xe máy,…

Việc nắm bắt thành thạo cách điều chỉnh màn trập giúp các nhiếp ảnh gia thu được kết quả tốt nhất mỗi lần chụp, bất kể đang trong tình huống nào.

ISO (Độ nhạy sáng)

ISO là viết tắt của International Organization for Standardization (một tổ chức quyết định các tiêu chuẩn quốc tế). Trong lĩnh vực nhiếp ảnh, thuật ngữ này dùng để chỉ độ nhạy của cảm biến trên máy ảnh số hoặc bề mặt phim trên máy ảnh phim đối với ánh sáng.

Giá trị ISO càng cao thì độ nhạy sáng càng lớn, giúp giảm đáng kể thời gian phơi sáng, nhờ đó mà bạn có thể chụp ảnh tốc độ cao hiệu quả hơn ngay cả trong điều kiện ánh sáng yếu. Điều này đã góp phần hạn chế tình trạng mờ nhòe do rung lắc máy gây ra hoặc chủ thể đang chuyển động nhanh.

Tuy nhiên, các nhiếp ảnh gia cũng phải cân nhắc về mức độ nhiễu (noise) trở nên dày đặc hơn, cũng như việc xảy ra hiện tượng bệt màu khi sử dụng ISO cao khiến chất lượng hình ảnh và độ sắc nét bị suy giảm. Trong lúc chụp ảnh cũng nên lựa chọn thiết lập chỉ số ISO ở mức vừa phải để ảnh được ghi lại với hiệu quả tối ưu hơn.

Chỉ trong trường hợp dù bạn đã cài đặt tốc độ màn trập đến mức thấp nhất nhằm hạn chế tình trạng mờ nhoè, nhưng bức ảnh vẫn không đủ sáng thì mới cần phải xem xét đến giải pháp cuối cùng là điều chỉnh gia tăng độ nhạy ISO.

Mối quan hệ giữa khẩu độ, tốc độ và ISO

Khẩu độ, tốc độ, ISO có một mối quan hệ mật thiết và được gọi là tam giác phơi sáng trong nhiếp ảnh. Điều này cũng có nghĩa là khi được kết hợp với nhau một cách hiệu quả, chúng sẽ tạo ra độ sáng lý tưởng cho bức ảnh. Nếu bạn thay đổi giá trị của một yếu tố thì buộc phải điều chỉnh luôn các yếu tố còn lại.

Việc thử nghiệm và thay đổi các giá trị khẩu độ, tốc độ, ISO trong các tình huống chụp khác nhau giúp bạn nắm rõ cách chúng ảnh hưởng đến hình ảnh và tạo ra nhiều kết quả khác biệt. Điều này cũng giúp bạn nâng cao sự nhạy bén của mình trong việc tùy chỉnh các cài đặt sao cho cân bằng được cả 3 yếu tố khẩu độ, tốc độ, ISO và sử dụng một cách nhuần nhuyễn hơn.

Cách chỉnh ISO và khẩu độ

Hầu hết người mới bắt đầu tiếp xúc với máy ảnh và chụp ảnh đều gặp phải khó khăn trong việc điều chỉnh các thông số cơ bản như khẩu độ, tốc độ, ISO sao cho phù hợp. Trong trường hợp này, một số người sẽ dựa vào các chế độ tự động của máy ảnh để chụp ảnh dễ dàng hơn.

Điển hình là tính năng cân bằng sáng tự động, các thông số khẩu độ tốc độ ISO sẽ tự thay đổi để bức ảnh có đủ sáng và người chụp chỉ cần ấn chụp là đã có ngay một tác phẩm nhiếp ảnh hoàn chỉnh.

Tuy nhiên, việc sử dụng chế độ này cũng có một nhược điểm lớn đó là nhiếp ảnh gia không thể kiểm soát hoàn toàn quá trình chụp hay tạo ra những shot ảnh theo ý muốn sáng tạo ban đầu của mình. Vì vậy, bạn cần phải học cách chỉnh ISO và khẩu độ cũng như tốc độ màn trập thật nhuần nhuyễn.

Theo đó, có 2 cách cài đặt khẩu độ là Chế độ Ưu tiên khẩu độ (cho phép bạn tuỳ chỉnh khẩu độ, còn máy ảnh sẽ tự chỉnh tốc độ màn trập) và chế độ Thủ công (người dùng có thể chỉnh cả khẩu độ và tốc độ màn trập). Ngoài ra, khi thiết lập ISO các nhiếp ảnh gia cần lưu ý các yếu tố ánh sáng, độ nhiễu hạt, chân máy và chuyển động để có thể đảm bảo hiệu quả chụp ảnh đẹp nhất.

Trường hợp không có sự hỗ trợ của chân máy và chụp hình trong điều kiện thiếu sáng thì cần làm việc với một tiêu chuẩn ISO cao hơn. Còn nếu bạn đang sử dụng kèm chân máy để chụp các đối tượng tĩnh như phong cảnh thì có thể cài đặt mức ISO thấp,…

Tổng kết

Khẩu độ, tốc độ, ISO là ba yếu tố cơ bản và quan trọng trong nhiếp ảnh. Hy vọng bài viết trên đây của chúng tôi có thể giúp bạn nắm rõ được mối quan hệ giữa khẩu độ, tốc độ và ISO. Từ đó sử dụng chúng nhuần nhuyễn hơn trong quá trình tác nghiệp để có những tác phẩm đắt giá nhất.