Tất tần tật các thuật ngữ trong nhiếp ảnh dành cho người mới bắt đầu

0
778

Bắt đầu bước chân vào thế giới nhiếp ảnh có thể đầy thú vị nhưng cũng không kém phần khó khăn, đặc biệt là khi bạn phải đối diện với rất nhiều từ ngữ chuyên ngành và khái niệm đặc trưng trong lĩnh vực này. Việc hiểu rõ được các thuật ngữ trong nhiếp ảnh là bước đầu tiên để bạn trở thành một nhiếp ảnh gia lành nghề.

Trong bài viết dưới đây, Anh Đức sẽ mang đến các thuật ngữ trong nhiếp ảnh thông dụng nhất hiện nay, giúp bạn xây dựng được nền tảng kiến thức vững chắc và tự tin hơn khi làm việc với máy ảnh và ống kính.

Các thuật ngữ trong nhiếp ảnh

A

Aperture & Aperture Value – Khẩu độ & Ưu tiên khẩu độ

Khẩu độ là độ mở của ống kính, khẩu độ càng lớn thì ánh sáng đi vào càng nhiều, độ sâu trường ảnh (DOF) càng mỏng hẹp. Ngược lại, khi bạn làm việc với khẩu độ càng nhỏ, lượng ánh sáng đi vào sẽ thấp hơn, khoảng rõ DOF càng dày sâu.

Ký hiệu của khẩu độ là chữ f và các nhiếp ảnh gia thường có xu hướng ưa chuộng sử dụng ống kính có độ mở khẩu lớn như f/1.2, f/1.4, f/2, f/2.8, f/4, f/5.6… để đáp ứng được nhiều tình huống quay chụp hơn.

Chế độ ưu tiên khẩu độ cho phép người chụp chủ động hơn trong việc thay đổi độ mở lớn hay nhỏ để tùy chỉnh lượng sáng đi qua ống kính và kiểm soát độ sâu trường ảnh trong mỗi shot hình một cách hiệu quả.

AE (A/Av, S/Tv, P) – Phơi sáng tự động

Được viết tắt từ Auto Exposure – phơi sáng tự động là tính năng mà máy ảnh sẽ tự động thiết lập khẩu độ ống kính và tốc độ vận hành của màn trập.​

AF – Lấy nét tự động

AF (viết tắt của Autofocus) là một trong những chế độ mà bạn nên biết khi tìm hiểu về các thuật ngữ trong nhiếp ảnh. Theo đó, máy ảnh sẽ tự động điều chỉnh để lấy nét một cách chính xác vào đối tượng xuất hiện trong khung hình, người chụp hoàn toàn không cần phải thao tác xoay vòng lấy nét trên ống kính bằng tay.​

AF Lock – Khóa lấy nét tự động

AF Lock hay còn được biết đến với cái tên đầy đủ là Auto Focus Lock. Ở chế độ tự động, sau khi bạn lấy nét thành công bằng cách bấm nhẹ vào nút chụp (nửa cò) hoặc bấm nút AF Lock, chế độ lấy nét tự động sẽ được kích hoạt và khóa đối tượng lại.

Trong trường hợp vừa chụp vừa di chuyển hay do người dùng điều chỉnh lại bố cục của khung hình thì điểm đã lấy nét ban đầu vẫn không bị thay đổi.

Angle of View (AOV) – Góc nhìn

Angle of View (AOV) là một thuật ngữ diễn tả độ rộng của một khung cảnh mà ống kính máy ảnh có thể ghi nhận được thành hình ảnh. Góc nhìn này có thể thay đổi linh hoạt tùy vào độ dài tiêu cự của chiếc lens mà bạn sử dụng (được quy ước tính bằng mm).

B

Backlight – Ngược sáng

Là nguồn sáng chiếu từ phía sau chủ thể, nằm đối diện với ống kính máy ảnh. Hướng sáng này gây khá nhiều khó khăn cho người chụp như tạo độ tương phản cao, làm đổ bóng trực diện hoặc làm mất chi tiết trên chủ thể. Bù lại, nó cũng đem lại trải nghiệm nhiếp ảnh khá ấn tượng và dễ dàng khơi gợi cảm xúc cho người xem, nếu như bạn có thể kiểm soát được.​

Bokeh – Vùng ảnh không rõ nét

Bokeh là vùng ảnh nằm ngoài vùng rõ nét (out-of-focus areas) và thường được tạo ra do cấu trúc lá khẩu của ống kính. Nó mang tới hiệu ứng vô cùng độc đáo về mặt thị giác, cho thấy sự chuyển bước mượt mà hoặc kịch tính giữa các vùng khác nhau trên ảnh.

Blurred shot – Ảnh mờ nhoè

Là hiện tượng bức ảnh bị mờ nhòe, mất nét do nhiều nguyên nhân khác nhau trong quá trình chụp chẳng hạn như rung máy. Ngoài ra, đây cũng có thể là do ý đồ của nhiếp ảnh gia muốn làm nhòe để tạo hiệu ứng chuyển động nghệ thuật.

Bulb – Chế độ phơi sáng B trên máy ảnh

Là chế độ cho phép người dùng mở màn trập ​phơi sáng chủ động trong thời gian tùy theo ý muốn. Khi làm việc ở chế độ này màn trập sẽ mở liên tục kể từ lúc bạn bấm và giữ nút chụp, màn trập sẽ chỉ đóng lại khi nút chụp được thả ra.

Bounce flash – Dội sáng đèn

Khi đánh đèn flash mà đèn hướng vào bờ vách, trần nhà trắng hoặc mặt phẳng trắng sáng nào đó nhằm mục đích tạo sự phản chiếu ánh sáng ngược lại đối tượng cần chụp. Với cách này, ánh sáng dội lại làm phân tán ánh sáng rộng hơn, tạo hiệu quả mềm mại giảm bớt sự tương phản gay gắt và bóng đổ hơn, nhưng lưu ý là cường độ sáng sẽ suy giảm khi đến được đối tượng, nên cần tính toán trước để dùng hiệu quả.​

C

Center Weighted metering – Đo sáng trung tâm

Là một trong các chế độ đo sáng của máy ảnh. Đo sáng trung tâm được dùng để đo độ sáng tại vùng trung tâm của khung ảnh.​

Continuous shooting – Chụp ảnh liên tục

Thường dùng để biểu thị số lượng ảnh mà máy ảnh có thể chụp được trong một giây. Thường được viết tắt như: 5 fps, 8fps, 11fps … là số lượng bức ảnh trong 1 giây (frame per second). Khi nói chụp liên tục tối đa là số lượng ảnh chụp liên tục cho đến khi máy dừng lại không chụp nữa. Chẳng hạn nói chụp liên tục tối đa 16 ảnh thì có nghĩa là máy có khả năng chụp liên tục 16 tấm rồi dừng lại.​

Camera shake – Rung máy

Máy ảnh không được giữ cố định khi bấm nút chụp, do tay rung lắc hoặc người chụp có sự dịch chuyển trong khi màn trập máy ảnh mở làm cho ảnh bị mờ nhoè. Tình trạng này thường xảy ra khi tốc độ vận hành của màn trập quá chậm, hoặc đối tượng di chuyển quá nhanh liên tục hoặc sử dụng ống kính tiêu cự dài (tele) mà máy ảnh thì không được cố định.​

Color temperature – Nhiệt độ màu

Thang nhiệt độ màu trong nhiếp ảnh được đo bằng đơn vị tính Kelvin (viết tắt là K, hay đọc là nhiệt độ K). Đây là đơn vị đo nhiệt độ màu của ánh sáng phản xạ từ đối tượng được chụp và được tái tạo thành hình ảnh trong máy ảnh. Thang nhiệt độ thường được biểu thị từ tông màu ấm áp đến tông màu lạnh.

 

D

DSLR Camera

Viết tắt cụm từ “digital single lens reflex”, thường được dịch là “máy ảnh kỹ thuật số phản xạ ống kính đơn”. Là loại máy ảnh sử dụng gương lật phản xạ, một ống kính có thể tháo lắp hoán đổi. Gương bên trong máy là để hướng hình ảnh (ánh sáng) qua lăng kính ngũ giác đến kính ngắm. Khi chụp ảnh, gương lật lên để không chặn sáng đi qua ống kính tới cảm biến ảnh. Sau này có máy ảnh không sử dụng gương lật phản xạ này, gọi là mirrorless (không gương lật).

DPI

Số điểm ảnh có trên mỗi inch (dots per inch). Đơn vị DPI được dùng xác định độ phân giải khi in ảnh, tức là xác định được mật độ điểm ảnh trên mỗi in tương đương 2.54 cm của bức ảnh. Và trên máy ảnh, đơn vị DPI cho biết số lượng điểm ảnh mà máy in đó có thể in được trên mỗi in.​

Depth of field – Độ sâu trường ảnh

Là vùng ảnh rõ nét, khoảng cách phía trước và sau của điểm lấy nét. Độ sâu trường ảnh chịu ảnh hưởng trực tiếp khi thay đổi khẩu độ ống kính. Khẩu độ ống kính càng nhỏ (chỉ số f càng lớn) thì độ sâu trường ảnh càng dày và ngược lại khẩu độ ống kính càng lớn (chỉ số f càng nhỏ) thì độ sâu trường ảnh càng mỏng.

Độ sâu trường ảnh cũng chịu ảnh hưởng bởi tiêu cự ống kính và khoảng cách từ vị trí đặt máy ảnh đến đối tượng. Độ sâu trường ảnh càng hẹp (DOF mỏng) khi tiêu cự ống kính càng dài hay khoảng cách từ vị trí đặt máy và đối tượng gần hơn.​

E

Exposure – Độ phơi sáng

Là lượng ánh sáng cảm biến ánh sáng nhận được dựa vào việc xác định thông số khẩu độ ống kính, tốc độ màn trập và độ nhạy sáng ISO là một yếu tố khác ảnh hưởng đến độ phơi sáng. Một bức ảnh được cho là phơi sáng phù hợp là kết quả của sự kết hợp hài hoà giữa ba yếu tố đó và bức ảnh được tái hiện màu sắc và độ sáng tự nhiên như khi nhìn bằng mắt. Bức ảnh quá sáng người ta gọi là dư sáng; quá tối người ta gọi là thiếu sáng.​

Evaluative metering – Đo sáng tổng quát

Là một trong các chế độ đo sáng của máy ảnh liên quan đến toàn khung ảnh tại nhiều vùng ảnh hiển thị trong ống ngắm. Chế độ đo sáng sẽ xác định trị số phơi sáng phù hợp mà máy ảnh đề nghị dựa vào vị trí của đối tượng trong một bối cảnh ánh sáng nào đó khi chụp.​

Exposure compensation – Bù sáng

Đây là thao tác kỹ thuật của người chụp trên máy ảnh để có được giá trị (độ) phơi sáng đúng thể hiện qua thước đo sáng trong ống ngắm. Sử dụng kỹ thuật bù sáng này để có thể làm cho một vùng trông sáng hơn tối hơn. Trên máy ảnh có nút điều chỉnh +-EV để thực hiện thao tác bù sáng này.​

F

Focal length – Độ dài tiêu cự

Chỉ số chỉ độ rộng hẹp của cảnh được chụp được tính bằng đơn vị mm trên ống kính. Độ dài tiêu cự là khoảng cách từ tâm ống kính đến bề mặt cảm biến ảnh. Thông thường người ta dựa vào độ dài tiêu cự để phân biệt ống kính góc rộng và ống kính chụp xa góc hẹp.​

Focus – Tiêu điểm

Tiêu điểm là điểm rõ nét nhất khi máy lấy nét.​

Flare – Loé sáng

Là hiện tượng ánh sáng chiếu trực tiếp vào ống kính, các tia sáng ngoài ý muốn đó tạo sự phản chiếu chuyển hướng bên trong các thấu kính của ống kính ảnh hưởng đến các tia sáng phản xạ từ đối tượng được chụp bị loạn sắc, tạo nên hiện tượng loé sáng, phai màu, như một lớp sương mờ phủ trên ảnh. Cái loa che nắng (hood) là một cách hạn chế bớt hiện tượng này, che bớt các tia sáng xiên đi vào ống kính.​

Flash – Đèn flash

Là nguồn sáng nhân tạo để có ánh sáng gần như ánh sáng ban ngày khi chụp ảnh.​

Fill flash – Phủ đèn

Là một kỹ thuật thường dùng để chụp chân dung ngoài trời trong bối cảnh ngược hoặc chênh sáng mạnh. Mặt trời nằm phía sau đối tượng chiếu thẳng vào ống kính, hậu cảnh chói sáng trong khi gương mặt chủ thể đối diện ống kính tối đen. Gặp trường hợp này, đo sáng phù hợp với hậu cảnh sáng rồi dùng đèn flash đánh phủ lên chủ thể mẫu chụp để gương mặt được sáng phù hợp và đúng ý muốn.​

G

Guide number – Cường độ đèn flash

Chỉ mức độ của đèn flash, thường được viết tắt là chỉ số GN, cho biết khả năng tối đa mà đèn flash có thể chiếu sáng đối tượng trong khoảng cách cụ thể nào đó. Cường độ đèn flash cao thì cự ly phủ sáng càng cao. Khoảng cách phủ sáng của đèn đến đối tượng được tính bằng cách lấy chỉ số cường độ của đèn chia cho chỉ số khẩu độ f. Ví dụ cường độ đèn là 10 chia cho f/2 thì cự ly phủ sáng hiệu quả là 5 mét.​

Ghosting – Bóng ma

Hiện tượng có đốm trắng xuất hiện trong ảnh do nguồn sáng chiếu thẳng vào ống kính gây tán xạ bên trong ống kính.​

H

HDR – high dynamic range – dải tương phản động

Cảm biến máy ảnh không thể nhìn thấy chi tiết độ tương phản cao như mắt người. Nếu một khung hình có bóng rất tối và bầu trời rực sáng thì bạn phải chọn ghi hình rõ của một trong hai mà thôi. HDR chính là cách khắc phục khó khăn ở những tình huống ánh sáng khó đó.

Cách thực hiện là chụp nhiều tấm với lựa chọn thiết lập phơi sáng chênh lệch khác nhau, rồi dùng phần mềm hậu kỳ chồng các tấm ảnh đó thành một. Ảnh kết quả có dải tương phản cao hơn (high dynamic range – hdr), nhiều chi tiết ở các vùng chênh lệch sáng được giữ lại rõ ràng hơn.

HD – Độ nét cao

Viết tắt từ High Definition. Các máy ảnh có chức năng quay video độ nét cao, như Full HD (1920 x 1080), HD có độ nét (1280 x 720), SD (640 x 480),…​

High shutter speed – Chụp tốc độ màn trập cao

Chụp tốc độ màn trập cao như 1/500 – 1/4000 giây để bắt dính nét các đối tượng chuyển động.​

I

Imaging sensor / Sensor – Cảm biến ảnh / Cảm biến

Là bộ phận thu nhận ánh sáng và màu sắc của cảnh vật được chụp chuyển thành tín hiệu số. Có hai loại cảm biến thông dụng là CCD và CMOS.​

Imaging engine – Bộ xử lý ảnh

Là bộ xử lý được gắn trong máy ảnh sẽ dùng thuật toán để xử lý hình ảnh trước khi lưu ảnh vào thẻ nhớ.​

Image Stabilization – Ổn định hình ảnh

Là một tính năng công nghệ của ống kính hoặc thân máy ảnh. Hoạt động bằng cách dịch chuyển các thành phần thấu kính bên trong ống kính theo một trục đến nhiều trục để bù trừ cho sự chuyển động tác động lên bộ máy ảnh ống kính.

Ổn định thân máy thì được gọi là IBIS, cùng nguyên lý ổn định, nhưng nó dịch chuyển trực tiếp cảm biến ảnh. Cả hai đều rất hữu ích khi người cầm máy chụp ở bối cảnh thiếu sáng, tốc độ màn trập xuống thấp, tay cầm rung lắc máy, việc ống kính hay thân máy có tích hợp công nghệ ổn định hình ảnh rất hữu dụng.

J

JPEG

Là một định dạng file ảnh đã trở thành định dạng chuẩn cho ảnh chụp bằng máy số. Ảnh JPEG được máy ảnh xử lý và có thể hiển thị trên các thiết bị khác như máy tính, di động.​

Lens Flare – Loé sáng

Là hiện tượng ánh sáng chiếu trực tiếp vào ống kính, các tia sáng ngoài ý muốn đó tạo sự phản chiếu chuyển hướng bên trong các thấu kính của ống kính ảnh hưởng đến các tia sáng phản xạ từ đối tượng được chụp bị loạn sắc, tạo nên hiện tượng loé sáng, phai màu, như một lớp sương mờ phủ trên ảnh. Cái loa che nắng (hood) là một cách hạn chế bớt hiện tượng này, che bớt các tia sáng xiên đi vào ống kính.

M

Mirrorless Camera – Máy ảnh không gương lật

Về lý thuyết, một máy ảnh không có gương lật, cả điện thoại thông minh hay máy ảnh dùng phim chụp một lần, đều không có gương lật. Nhưng, phổ thông khi nói máy ảnh không gương lật đều có ý nói đến máy ảnh có thể hoán đổi ống kính – MRL – đối thủ của máy ảnh DSLR.

Máy ảnh MRL có những lợi thế riêng, nhỏ gọn hơn và nhiều công nghệ hơn, tích hợp ổn định hình ảnh trên thân máy và càng ngày hệ thống kính ngắm điện tử càng có chất lượng rất tốt so với kính ngắm quang qua gương lật của máy ảnh DSLR.

Macro lens – Ống kính macro

Ống kính dùng để chụp cận cảnh, có khoảng cách lấy nét tối thiểu rất ngắn, có thể đặt máy ảnh gần đối tượng.​

Manual exposure – Phơi sáng thủ công

Người dùng phải hiệu chỉnh chủ động các thông số về khẩu độ ống kính, tốc độ vận hành của màn trập, độ nhạy sáng … để có độ phơi sáng phù hợp.​

Manual focus – Lấy nét thủ công

Người chụp phải lấy nét bằng cách xoay vòng lấy nét trên ống kính sao cho đối tượng cần lấy nét nằm trong vùng ảnh rõ nét.​

N

Noise – Nhiễu hạt

Tình trạng hạt thô xuất hiện trên ảnh có chất lượng thấp, thường do chụp trong hoàn cảnh thiếu sáng và với độ nhạy sáng ISO quá cao.​

Normal lens – Ống kính trung bình

Với máy ảnh SLR kỹ thuật số cảm biến full-frame, ống kính có tiêu cự 50mm được gọi là ống kính trung bình.​

O

One-shot autofocus – Lấy nét tự động một lần

Chế độ lấy nét tự động cố định chỉ một tiêu điểm khi bấm nhẹ nút chụp (nửa cò), không thay đổi tiêu điểm lấy nét khi đối tượng di chuyển như kiểu lấy nét liên tục.​

Over-exposure – Dư sáng

Tình trạng ảnh sáng hơn cảnh được chụp ngoài thực tế nhìn bằng mắt, xảy ra khi lượng sáng đi vào cảm biến ảnh nhiều hơn độ phơi sáng cần.​

P

Partial metering mode

Chế độ đo sáng một phần

Pixel – Điểm ảnh

Bề mặt cảm biến ảnh của máy ảnh có các điểm nhạy sáng nhỏ gọi là điểm ảnh.​

R

RAW – Ảnh thô

Là định dạng ảnh lưu tín hiệu số từ cảm biến ảnh mà không qua quy trình xử lý hình ảnh trong máy ảnh. Ảnh được dùng để chỉnh sửa hậu kỳ tốt nhất với thợ ảnh.​

Resolution – Độ phân giải

Là mức độ rõ nét của hình ảnh.​

S

Shadow detail loss – Mất chi tiết bóng, vùng tối

Chi tiết vùng tối, bóng đổ bị mất chi tiết khi chụp ảnh bị thiếu sáng.​

Sharpness – Độ sắc nét

Là mức độ khác nhau về đường nét hiển thị trên ảnh, độ sắc nét cao là không có nét mờ, mọi thứ rõ ràng tách bạch.​

T

Tele / Telephoto / Super telephoto lens – Ống kính chụp xa / siêu xa

Là loại ống kính có độ dài tiêu cự trên 50mm. Loại ống kính này hiệu quả khi chụp đối tượng ở xa nhìn thấy gần hơn, có độ sâu trường ảnh mỏng, các lớp ảnh sát lại gần nhau…​

U

Under-exposure – Thiếu sáng

Tình trạng ảnh tối hơn cảnh thực tế nhìn bằng mắt, xảy ra khi lượng sáng cảm biến nhận được ít hơn mức sáng mà độ phơi sáng phù hợp cần.​

V

Viewfinder – Kính ngắm / Ống ngắm

Là bộ phận quang học giúp người chụp nhìn thấy những gì sẽ chụp.​

W

White balance – Cân bằng trắng

Máy ảnh có chức năng cân bằng trắng tự động (AWB) để cân chỉnh các loại ánh sáng khác nhau để có màu sắc phù hợp nhất với bối cảnh sáng, như bối cảnh ánh sáng ngoài nắng, trong nhà đèn huỳnh quang, ánh đèn vàng… Người chụp cũng có thể tự chỉnh cân bằng trắng phù hợp với từng loại ánh sáng khác nhau theo ý muốn riêng.​

Z

Zoom lens – Ống kính zoom

Là ống kính có thể thay đổi độ dài tiêu cự trong phạm vi nào đó nhất định. Chẳng hạn ống kính zoom 18-55mm, người dùng có thể xoay vòng zoom trên ống kính để thay đổi tiêu cự trong khoảng 18 – 55mm.​

Tổng kết

Việc hiểu và nắm vững các thuật ngữ là rất quan trọng để trở thành một nhiếp ảnh gia tài năng. Hy vọng rằng bài viết này đã giúp bạn làm quen được với các thuật ngữ trong nhiếp ảnh và chúc bạn có một khởi đầu lý tưởng khi bắt đầu chụp ảnh nhé.