Các loại filter máy ảnh phổ biến mà bạn nên có

0
597

Filter là một món phụ kiện quan trọng trong nhiếp ảnh nhưng thường bị bỏ qua. Dù có thiết kế nhỏ gọn nhưng chúng có ảnh hưởng lớn đến việc điều chỉnh cường độ màu sắc của khung hình, ánh sáng, giảm thiểu phản xạ hay đơn thuần là để bảo vệ ống kính máy ảnh khỏi các tác nhân không mong muốn. Hãy cùng điểm qua các loại filter máy ảnh phổ biến nhất hiện nay trong bài viết dưới đây nhé.

Tổng quan về các loại filter máy ảnh

Filter máy ảnh là gì?

Filter hay còn gọi bộ lọc ống kính là một lớp thủy tinh thường được gắn ở phía trước ống kính máy ảnh (hướng về phía đối tượng), làm thay đổi cách ánh sáng đi vào đến cảm biến máy ảnh.

Chẳng hạn như trong điều kiện ánh sáng quá mức, lựa chọn một bộ lọc chuyên dụng sẽ giúp bạn cân chỉnh độ phơi sáng đồng đều và đặc biệt chính xác trên toàn bộ bức ảnh. Hay khi làm việc với nguồn ánh sáng tự nhiên có nhiều màu sắc khác nhau, bằng cách kết hợp thêm các loại filter máy ảnh phù hợp, bạn có thể loại bỏ những gam màu không cần thiết hoặc tùy biến theo ý đồ của mình.

Tầm quan trọng của các loại filter máy ảnh trong nhiếp ảnh

Thông qua phần định nghĩa ở phía trên, các tín đồ mê nhiếp ảnh có thể hiểu được tầm quan trọng cũng như tác dụng của filter máy ảnh trong nhiếp ảnh, chúng mang tới những trải nghiệm quay phim, chụp ảnh chất lượng hơn bao giờ hết.

Trong đó, các loại filter máy ảnh đều có chức năng và ứng dụng riêng biệt. Từ việc hỗ trợ các nhiếp ảnh gia kiểm soát độ phơi sáng, cân bằng màu sắc, gia tăng độ tương phản, tạo hiệu ứng đặc biệt cho bức ảnh cho đến đóng vai trò như một lớp bảo vệ giúp ống kính an toàn khỏi va đập, trầy xước, bụi bẩn.

Nhất là khi thực hiện các buổi chụp phong cảnh vào ban ngày, một trong những thách thức lớn nhất mà người dùng phải đối mặt đó là với dải Dynamic Range hạn chế, máy ảnh sẽ rất khó để thu được độ tương phản và chi tiết đồng thời trong các khu vực có độ chênh lệch ánh sáng quá lớn.

Khi đó, việc sử dụng kính lọc máy ảnh trở thành một giải pháp tuyệt vời giúp bạn ghi lại những shot ảnh chất lượng cao một cách thuận lợi, mà không cần phải mất thời gian chỉnh sửa hậu kỳ quá nhiều.

Tuy rằng ở thời điểm hiện tại, khi mà công nghệ ngày càng phát triển nhiều dòng máy ảnh kỹ thuật số đã khắc phục được vấn đề này nhưng đối với những tình huống đặc biệt vẫn phải dùng đến filter để đạt được kết quả tối ưu nhất. Chẳng hạn như khi cần phơi sáng dài để làm mịn màu nước biển trong bức ảnh.

Kiểu dáng các loại filter máy ảnh thường gặp

Filter tròn

Trong số các loại filter máy ảnh thì kính lọc dạng tròn là kiểu dáng phổ biến nhất trong nhiếp ảnh bởi khả năng tương thích rộng rãi với các dòng lens trên thị trường. Tuỳ thuộc vào kích thước đường kính mà chúng có rất nhiều loại và thường được gắn trực tiếp vào phía trước ống kính.

Các loại filter máy ảnh dạng hình tròn có thể kể đến như bộ lọc UV/Clear/Haze, CPL, ND, GND hoặc bộ lọc màu. Bạn có thể thoải mái tuỳ chọn phiên bản phù hợp và cải thiện chất lượng hình ảnh theo nhiều cách khác nhau tùy thuộc vào mục đích sử dụng.

Filter hình chữ nhật

Kính lọc hình chữ nhật thường được gắn vào ống kính thông qua giá đỡ bộ lọc chuyên dụng và thậm chí có thể gắn nhiều loại cùng một lúc cực kỳ tiện lợi. Ngoài ra, bạn có thể thay đổi vị trí giá đỡ lên hoặc xuống để phù hợp với cảnh chụp.

Kích thước của loại kính lọc này đa số là 4×6, nhưng vẫn có những phiên bản cỡ lớn hơn hoặc nhỏ hơn để bạn lựa chọn tùy theo nhu cầu.

Filter vuông

Tương tự như filter chữ nhật, kính lọc dạng vuông được gắn trên bộ lọc giá đỡ để lắp trực tiếp vào ống kính. Chúng có khả năng xếp chồng lên nhau để điều chỉnh chất lượng hình ảnh đạt hiệu quả vượt trội nhất, vì vậy bạn có thể sử dụng một hoặc nhiều bộ lọc cùng lúc rất dễ dàng. Kích thước phổ biến của nó là 3 x 3 và 4 x 4 và được ứng dụng nhiều trong nhiếp ảnh phong cảnh.

Filter drop-in

Kính lọc drop-in thường được sử dụng bên trong ống kính tele dài, nguyên nhân là do kích thước lớn của thấu kính phía trước. Thông thường thì chỉ có các bộ lọc phân cực và rõ ràng dạng drop-in mới được thả trực tiếp vào ống kính mà không cần đến giá đỡ bộ lọc.

Các loại filter máy ảnh chính

Neutral Density (ND)

Bộ lọc ND là một công cụ hữu ích mà nhiếp ảnh gia thường sử dụng nhằm mục đích giảm lượng ánh sáng dư thừa hoặc quá mạnh từ đèn flash đi vào ống kính, cho phép phơi sáng dài hơn mà không làm ảnh hưởng đến màu sắc hay độ tương phản của hình ảnh.

Điều này đã mang lại nhiều lợi ích quan trọng khi chụp phong cảnh, đường phố, chụp chuyển động của thác nước, mặt biển hay bầu trời mây. Filter ND giúp tạo ra hiệu ứng làm mịn tuyệt đẹp và sống động hơn cho những shot hình của bạn một cách ấn tượng.

Ngoài ra, Filter ND sẽ có hai kiểu là hình tròn và hình chữ nhật. Trong đó, filter tròn được ưa chuộng hơn cả bởi những ưu thế vượt trội hơn về mặt kích thước cũng như tính linh hoạt của nó.

Khi cần xếp chồng nhiều bộ lọc ND để giảm tốc độ cửa trập và đạt được hiệu ứng giảm sáng mạnh hơn, bộ lọc hình tròn ít gây mờ ảnh hơn so với bộ lọc hình chữ nhật, đặc biệt là khi sử dụng với ống kính góc rộng.

Filter UV

Chức năng chính của filter UV/Clear/Haze là bảo vệ phần mặt trước của ống kính khỏi các tác nhân gây hại như tia UV, bụi bẩn cùng các va chạm có thể gây trầy xước. Từ đó, duy trì được sự trong trẻo cũng như chất lượng cho chiếc lens của bạn, việc thay thế một chiếc filter sẽ dễ dàng và tốn ít chi phí hơn nhiều so với sửa chữa phần thấu kính bị hư hại.

Vật liệu được sử dụng cho kính lọc cũng ảnh hưởng đến chất lượng hình ảnh. Bạn nên mua loại thủy tinh chất lượng cao với lớp phủ đa kháng đặc biệt (MRC). Bởi sử dụng loại kính lọc chất lượng thấp ít nhiều sẽ tạo thêm các phản xạ ánh sáng gây khó chịu cho hình ảnh.

Ngoài ra, để tránh các vấn đề khác, kính lọc UV không bao giờ được xếp chồng lên với các bộ lọc khác.

Circular Polarising Filters (CPL)

Bộ lọc phân cực (CPL) là một công cụ không thể bỏ qua khi nhắc đến các loại filter máy ảnh phổ biến, nó mang đến nhiều lợi ích cho quá trình quay phim, chụp ảnh. Chúng góp phần gia tăng chiều sâu của bức ảnh bằng cách nâng cao độ bão hòa màu sắc và giảm sự phản xạ của ánh sáng.

Bên cạnh đó, một trong những đặc điểm nổi bật của filter CPL là có tích hợp ngàm xoay. Người dùng có thể dễ dàng gắn bộ lọc vào ống kính và điều chỉnh độ quay của nó để theo dõi sự thay đổi của hình ảnh trên kính ngắm hoặc chế độ xem trực tiếp của máy ảnh.

Bộ lọc CPL sẽ điều chỉnh các sắc độ màu nổi bật khi chụp phong cảnh, chẳng hạn như làm tối bầu trời hơn nữa, tăng cường độ sâu, loại bỏ ánh sáng chói, cũng như phản xạ trên bề mặt thủy tinh hoặc mặt nước. Kết quả là bạn có thể thu được những shot ảnh tuyệt đẹp, đậm chất nghệ thuật và sống động như thật.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng việc sử dụng filter CPL với ống kính góc siêu rộng có thể gây hiện tượng không đồng đều màu xanh của bầu trời trong bức ảnh. Điều này xuất phát từ việc bộ lọc có khả năng thay đổi độ phân cực của ánh sáng theo góc nhìn và dòng lens này góc nhìn có thể thay đổi đáng kể từ trung tâm đến mép ống kính.

Graduated Neutral Density (GND)

Filter GND (Graduated Neutral Density) là một tấm nhựa hoặc thuỷ tinh có dạng hình chữ nhật hay hình vuông và được chia thành hai phần, trong đó một phần tối hơn còn một phần thì trong suốt. Mục đích chính của nó là cung cấp sự chuyển đổi theo chiều dọc giữa các khoảng sáng tối, từ đó cân bằng phơi sáng giữa ánh sáng mặt trời với tiền cảnh tối.

Điểm quan trọng của loại kính lọc này là phải được “trung tính” để đảm bảo ánh sáng đi qua nó không tạo ra sự khác biệt về màu sắc hoặc độ chói, giữ cho ảnh duy trì tính chất tự nhiên cùng độ chân thực cao.

Thêm vào đó, để gắn được filter GND lên ống kính cần phải sử dụng đến hệ thống giá đỡ bộ lọc chuyên dụng. Nhiếp ảnh gia có thể chứa hoặc xếp chồng nhiều bộ lọc lên nhau để đạt được hiệu ứng mong muốn. Tuy nhiên điều này cũng có thể tạo ra một số vấn đề cho bức ảnh, ví dụ như khi bạn kết hợp với ống kính góc rộng có tiêu cự dưới 35mm sẽ làm xuất hiện hiện tượng mờ viền ảnh.

Ngoài ra, bộ lọc GND còn chia ra làm 3 loại như sau:

  • Hard-Edge Graduated Neutral Density
  • Soft Edge Graduated Neutral Density
  • Reverse Graduated Neutral Density

Color Correcting Filters

Là bộ lọc hiệu chỉnh màu hay còn được biết đến là bộ lọc làm mát, làm ấm, chuyển đổi màu hoặc bù màu cho hình ảnh. Đây là cũng là một trong các loại filter máy ảnh phổ biến nhất hiện nay, có tác dụng hỗ trợ điều chỉnh và tăng cường tông màu sắc một cách hiệu quả.

Hiểu đơn giản thì bộ lọc color correcting được sử dụng để làm cho các sắc độ màu của cảnh vật bão hòa hơn, giảm độ nhạt nhòa hoặc gắt hơn khi đưa lên khung hình. Chúng có thể làm cho một bức ảnh trở nên ấn tượng, phản ánh đúng cảm xúc và ý định của nhiếp ảnh gia. Bộ lọc này cũng phù hợp với tất cả các thể loại nhiếp ảnh.

Close-Up Filters

Close-Up là bộ lọc cận cảnh hay còn được biết đến với tên gọi bộ lọc macro hoặc bộ lọc diop. Trong các loại filter máy ảnh nó cho phép các nhiếp ảnh gia chụp ảnh macro mà không cần sử dụng ống kính chuyên chụp macro. Điều này giúp người dùng tiết kiệm chi phí mua thêm dụng cụ và không gian trong túi đồ nhiếp ảnh, nhất là khi không phải lúc nào họ cũng chụp thể loại này.

Chắc chắn một điều rằng chất lượng hình ảnh mà kính lọc Close-Up mang lại không thể so sánh được với việc sử dụng một chiếc lens macro chuyên nghiệp. Nhưng nếu như bạn không quá khắt khe về vấn đề này và muốn tìm kiếm một giải pháp nhanh gọn hơn thì có thể cân nhắc đến nó.

Special Effect Filters

Kính lọc Special Effect là một công cụ hữu ích dành cho các tín đồ nhiếp ảnh đam mê sự sáng tạo và muốn thử nghiệm với nhiều phong cách khác nhau. Chúng cung cấp cho ảnh nhiều loại hiệu ứng đặc biệt như bokeh hình sao, làm mờ ảnh,… mà không cần phải trải qua quá trình chỉnh sửa hậu kỳ. Nó cũng phù hợp để ứng dụng trong nhiều thể loại quay chụp khác nhau.

Tổng kết

Trong nhiếp ảnh, việc sử dụng các loại filter máy ảnh là một phần quan trọng để nâng cao chất lượng và sự đa dạng của bức ảnh. Dù bạn là người mới bắt đầu hay nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp, việc hiểu rõ về các loại filter máy ảnh là gì và cách chúng hoạt động sẽ giúp bạn tối ưu hóa khả năng sáng tạo của mình, từ đó tạo ra những tác phẩm độc đáo, ấn tượng hơn bao giờ hết.