Các thiết bị smartphone và máy tính gập đã có một năm với nhiều đột phá ấn tượng, và chúng ta nên cảm ơn Samsung khi là người tiên phong mang xu hướng mới này tiếp cận đến người dùng mạnh mẽ.
Và đằng sau sự thành công của ZFold hay ZFlip là những bí mất mà chỉ có người trong cuộc mới thấu hiểu cho những nỗ lực đó. Hãy cùng với Anh Đức, vén màn những bí mật phía sau chiếc điện thoại gập độc đáo nhé.
Trong sự kiện IFA 2022 vừa qua tại Berlin, người đại diện phòng nghiên cứu Samsung, ông Won-Joon Choi hy vọng rằng xu hướng smartphone gập sẽ tiếp tục định hình ngành công nghiệp smartphone toàn cầu, giống như Galaxy Note đã làm trong hơn một thập kỉ qua. Qua 4 thế hệ smartphone gập, ZFold và ZFlip đã dần tạo được thiện cảm và trở thành sản phẩm công nghệ đáng mong đợi qua những trải nghiệm sử dụng ngày một được cải thiện tốt hơn.
Việc xây dựng ZFold và ZFlip có rất nhiều khó khan, ràng buộc và thách thức. Theo tiến sĩ Choi, những lĩnh vực mà ông quan tâm với một chiếc smartphone gập sẽ bao gồm: độ bền, khả năng kháng nước, bản lề, kích thước màn hình, khả năng sử dụng và khả năng tương thích với bút S-Pen. Nếu bản lề là thứ đã được truyền thông phân tích khá nhiều, thì một thành phần khác nên được nói tới chính là màn hình phủ kính siêu mỏng.
Kể từ thế hệ thứ 3, Samsung đã trang bị cho Z Flip và Z Fold kính siêu mỏng (UTG) vốn là thành quả hợp tác với các dối tác sản xuất như Schott (cung cấp vật liệu thủy tinh), Corning và ngay cả Samsung Display cũng tham gia nghiên cứu và sản xuất thử nghiệm. Do đó, tấm kính của Z Fold và Z Flip không đến từ một đối tác duy nhất nào cả. Và sau một quá trình thử nghiệm, tấm kính có thể uốn đủ cong để gập điện thoại là một tuyệt tác mà Samsung có thể sản xuất.
Không dừng lại ở đó, hãng vẫn nỗ lực cải thiện độ mỏng và độ bền của tấm kính qua việc nghiên cứu kĩ lưỡng về vật liệu, chất kết dính hay độ dày của nó. Đó thực sự là một thử thách bởi các nếp gấp xảy ra thường xuyên và dễ cảm nhận khi chạm tay vào khu vực bản lề trên màn hình, nhất là màn hình 7.6 inch của Z Fold. Nếp nhăn tồn tại là do kết cấu của vật liệu thay đổi để duy trì khả năng uốn cong của tấm kính, và khi mở nếp gấp ra mọi thứ có xu hướng trở về trạng thái gần như ban đầu.
Do đó theo ông Choi, việc giảm thiểu sự hiện diện của các nếp gấp là một trong những yêu cầu cần nghiên cứu và là thách thức kĩ thuật cần vượt qua. Samsung đang xem xét vấn đề này bằng 2 cách. Thứ nhất là kích thước nếp gấp. Với Z Fold 4, việc sở hữu màn hình lớn sẽ ít gây áp lực lên tấp nền và khi gập sẽ ít tạo nếp nhăn đáng chú ý vì áp lực lúc này đã được trải đều lên bề mặt rộng hơn của màn hình. Trong khi Z Flip 4 khó làm điều đó hơn.
Hướng đi thứ 2 là vật liệu. Mỗi loại vật liệu sẽ có cách phản ứng và hình thành các nếp gấp khác nhau. Dù vẫn sử dụng vật liệu chính là thủy tinh, nhưng một số thuộc tính có thể được thay đổi để có thể ít tạo nếp gấp đáng chú ý. Và hướng đi này vẫn sẽ là một bài toán rất dài trong ngành khoa học vật liệu của tương lai.
Khả năng chống nước với các điện thoại gập cũng rất quan trọng khi nhiều bộ phận cơ học đòi hỏi cơ chế chống nước tỉ mỉ hơn. Cả 2 chiếc điện thoại đều được nối bởi bản lề và các linh kiện điện tử mỗi bên được nối bằng một mạch in linh hoạt được đưa vào qua các lỗ trên khung máy. Để bảo vệ mạch in, Samsung đã sử dụng keo dán cao su để che các lỗ và sử dụng vật liệu chống ăn mòn cho phần bản lề. Đồng thời, hãng cũng nghiên cứu các thành phần chống nước mới.
Về chiếc Z Fold 4, Samsung mong muốn nâng kích thước màn hình lên và họ buộc phải thay đổi cấu trúc bản lề để thích ứng với màn hình mới. Và đây là một quá trình thử – sai không ngừng nghỉ của cả đội ngũ nghiên cứu. Không chỉ vậy, khi muốn nhúng tính năng tương thích SPen vào Z Fold 3, Samsung phải tìm tách chế tạo một bộ số hóa tín hiệu bằng đồng đủ cứng cáp ẩn chìm dưới tấm nền. Và đó chưa bao giờ là điều dễ dàng.
Với thiết kế này, sẽ có một khoảng trống nhỏ giữa 2 tấm nền. Để hỗ trợ nâng độ chính xác của bộ số hóa, Samsung đã phát triển thuật toán dựa trên AI để dự đoán vị trí bút SPen trên màn hình và tự động lấp các khoảng trống nhỏ. Và đây mới chỉ là ý tưởng ban đầu. Công cuộc tìm kiếm một giải pháp tối ưu nhất vẫn còn chưa kết thúc.
Một sự thật nữa khi gập điện thoại, để giữ cho 2 mặt luôn sát nhất, Samsung đã bỗ trí các nam châm quanh các cạnh để giữ màn hình được gập lại hoàn toàn. Vấn đề là nam châm đó đã ảnh hưởng đến bộ số hóa màn hình, khiến cho lần thử nghiệm đầu tiên thất bại khi khả năng số hóa của SPen bị giải đến 50%. Và cách để hãng giải quyết nó, là giữ cho lực từ ở mức lớn khi gập lại và sẽ giảm chúng khi người dùng mở ra.
Có thể thấy tham vọng với các dòng sản phẩm gập bắt đầu từ Z Fold và Z Flip của Samsung chưa bao giờ vô cùng to lớn, với mục tiêu giúp điện thoại gập mỏng hơn và nhẹ hơn, tối ưu hóa các thành phần và dần tích hợp các công nghệ máy ảnh tiên tiến nhất. Đồng thời, Samsung cũng đang dần xem xét mở rộng qua các sản phẩm mới như laptop hay màn hình khổ lớn, nhưng nó vẫn sẽ chỉ nằm trên ý tưởng cho đến khi nó thực sự mang đến giá trị cho người dùng.