Là ống kính thứ 66 trong hệ thống ống kính của mình, Sony PZ 16-35mm F4 G khi được ra mắt đã mang đến nhiều sự chú ý bởi tính nhỏ gọn và khả năng thu phóng điện tử ấn tượng. Là dải tiêu cự được Sony làm lại, PZ 16-35mm thừa hưởng rất nhiều những công nghệ về thấu kính và động cơ tuyến tính mới, đảm bảo cho chất lượng hình ảnh đầu ra và hiệu suất hoạt động luôn đạt trạng thái tốt nhất. Hãy cùng với Anh Đức đánh giá về chất lượng ống kính này nhé.
Chất lượng hoàn thiện
Sony PZ 16-35mm F4 G có kích thước khá nhỏ gọn nằm vừa trong lòng bàn tay và là ống kính có bộ lấy nét trong giúp việc thu phóng sẽ không làm thay đổi kích thước ống kính trên toàn dải tiêu cự. Dù là ống kính nhỏ nhưng độ rộng của các vòng lấy nét và thu phóng có kích thước vừa đủ để người dùng có thể xử lý nhanh chóng. Với trọng lượng chỉ 353g, có thể xem PZ 16-35mm là ống kính zoom F4 nhẹ nhất mà Sony có hiện tại.
Ống kính có phần thân được làm từ chất liệu nhựa cao cấp như trên các ống kính GMaster và cũng là lần đầu tiên mà Sony ứng dụng vật liệu này với các ống kính G. Khi lắp nó lên A7R IV, người chụp sẽ có cảm giác rằng PZ 16-35mm nặng hơn một chút so với một ống kính kit, nhưng lại có tính cân bằng rất tốt khi điểm cân bằng nằm ở phần ngàm ống kính. Khi thay đổi tiêu cự, điểm trọng tâm này không thay đổi nên sẽ là lựa chọn phù hợp để sử dụng trên gimbal.
Ống kính có 3 vòng chức năng, gồm khẩu độ, lấy nét và thu phóng. Vòng khẩu độ có các mức chia được khắc cụ thể. Ở phía bên phải là nút khóa khẩu độ để ngăn người dùng vô tình điều chỉnh và một nút khử tiếng nảy để giúp việc thay đổi khẩu độ trơn tru hơn. Phía bên trái của ống kính là lẫy AF-MF và phía trên sẽ là cần gạt Power Zoom với 8 mức tốc độ có thể được lựa chọn trong menu, một tùy chỉnh hợp lý bởi khoảng zoom từ 16-35mm khá ngắn nên cân có một tốc độ chậm vừa đủ.
Ở phía đầu ống kính sẽ là vòng zoom và vòng lấy nét. Không giống như trên các ống kính khác của Sony, vòng zoom của PZ 16-35mm rất nhẹ, êm và phản hồi tốt như là một vòng lấy nét tay. Bản thân vòng lấy nét cũng rất êm và không mang lại cảm giác nặng nề. Đồng thời, Sony còn áp dụng khả năng phản hồi tuyến tính để việc điều chỉnh lấy nét được vận hành theo lực tay của người dùng.
Trong quá trình thử nghiệm ống kính, người dùng có thể zoom trong quá trình lấy nét. Tuy nhiên khi chụp ảnh hay chụp liên tục, chức năng zoom cho cả vòng zoom và cần zoom sẽ bị khóa cho đến khi người dùng thôi chụp. Dù điểm trừ của PZ 16-35mm là sự thiếu vắng bộ ổn định quang học OSS như trên Vario-Tessar 16-35mm F4 ZA OSS trước đây, nhưng người dùng có thể tận dụng bộ ổn định trong thân máy máy ảnh, dù kết hợp cả hai bộ chống rung sẽ có hiệu quả tốt hơn.
Chất lượng hình ảnh
Bên trong PZ 16-35mm có hệ thống quang học gồm 13 thấu kính chia thành 12 nhóm, bao gồm 3 thấu kính phi cầu, 1 thấu kính phi cầu tán sắc thấp và 2 thấu kính tán sắc thấp. Có thể thấy số lượng thấu kính kiếm soát chất lượng chiếm đến hơn 1 nửa số thấu kính trong ống kính giúp hỗ trợ giảm thiểu và hạn chế tối đa các quang sai và biến dạng hình ảnh.
Khi thử nghiệm thực tế, hỉnh ảnh có chút biến dạng nhẹ ở 35mm và có thể cảm nhận rõ hơn tại 16mm. Dù hiện tượng viền tím có thể xảy ra tại các vùng chi tiết có độ tương phản cao, nhưng nó không quá nổi bật. Đồng thời độ tương phản và màu sắc đều có khả năng tái tạo mạnh mẽ và hiện tượng lóa sáng hay bóng mờ cũng được xử lý gọn gàng, dù thi thoảng một số bóng mờ dạng đốm vẫn có thể xảy ra.
Vêf độ nét trung tâm, ở tiêu cự 16mm F4, ảnh có độ nét khá tốt, đạt tối đa tại F6.3 và bắt đầu giảm chất lượng từ F11. Các chi tiết ở góc cũng đạt mức nét tốt nhất tại F7.1. Nhìn chung độ nét góc ở 16mm tốt hơn so với 35mm. Với tiêu cự 35mm, độ nét trung tâm ở F4 không được nét cho lắm nhưng sẽ được cải thiện ở các mức khẩu độ F7.1 và F11. Các góc ở tiêu cự 35mm cũng không có độ sắc nét tốt và chỉ đạt độ nét tốt nhất ở mức F9, nhưng hầu như không thể đạt độ sắc nét tổng thể tốt nhất.
Về hiện tượng tối viền, hình ảnh tại tiêu cự 16mm vẫn sẽ biểu hiện rõ rệt tại F5.6 và F6.3. Trong khi đó tiêu cự 35mm còn làm ảnh tối góc hơn rất nhiều ngay cả ở khẩu dộ F5.6 và F7.1. Tuy nhiên hiện tượng này sẽ được loại bỏ ở khẩu độ F8.
Đánh giá chung về PZ 16-35mm
Sony PZ 16-35mm F4 G sở hữu một hệ quang học phức tạp được bố trí trong một thân máy nhỏ gọn nhưng chắc chắn. Việc sở hữu thêm tính năng thu phóng điện tử Power Zoom giúp người dùng có thể quay phim dễ dàng hơn với nhiều tùy chọn xử lý việc thu phóng, bao gồm thay đổi tốc độ thu phóng với 8 mức khác nhau. Sự kết hợp của 2 động cơ tuyến tính cho bộ phận lấy nét và 4 động cơ cho việc thu phóng giúp quá trình vận hành ống kính tin cậy và mạnh mẽ hơn.
Xét về chất lượng ảnh, PZ 16-35mm đạt điểm cộng tại tiêu cự góc rộng khi chất lượng hình ảnh tốt, độ sắc nét ổn định và những quang sai gần như không đáng kể. Tuy nhiên, hình ảnh bị mất nét tương đối tại tiêu cự 35mm và đây là nhược điểm lớn nhất của ống kính này.
Nói đến những lựa chọn thay thế khác, Sony 16-35mm F4 ZA OSS là lựa chọn đầu tiên mà người dùng có thể nghĩ đến đầu tiên. Dù đã 8 năm tuổi đời, nhưng ống kính này vẫn đáp ứng tốt các nhu cầu quay chụp thông thường với sự hỗ trợ đến 3 stop của OSS trong ống kính, cho dù hệ quang học của nó có thể đã lỗi thời. Tùy vào tính tiện dụng của ống kính PZ mới hoặc tìm kiếm sự ổn định với OSS mà người dùng có thể lựa chọn trong hai ống kính này.
Một lựa chọn khác cũng nên cân nhắc là Tamron 17-28mm F2.8 Di III RXD với mức giá dễ chịu hơn 1 chút so với ống kính của Sony. Dù không có hệ thống ổn định quang học cũng như việc ống kính này có dải zoom nghiên về tiêu cự góc rộng nhiều hơn, song chất lượng quang học tốt của nó cũng là lí do dể người dùng có thể lựa chọn trong hoàn cảnh không có nhiều lựa chọn ống kính zoom góc rộng một khẩu độ giá tốt.