Đánh giá Sigma 70-200mm F2.8 DG DN OS Sport – Nhanh hơn, nhẹ hơn và chất lượng hơn

0
495

Được ra mắt vào cuối năm 2023, Sigma 70-200mm F2.8 DG DN OS Sport cho thấy những thay đổi mạnh mẽ của nhà sản xuất trong việc tạo nên một ống kính tele tối ưu cho trải nghiệm của người dùng, dựa trên những gì mà họ đã làm được với ống kính tiền nhiệm. Không chỉ nhẹ và có hiệu suất hoạt động ổn định, mà chất lượng hình ảnh của ống kính đều được đông đảo nhiếp ảnh gia kì cựu đánh giá cao. Hãy cùng Anh Đức tìm hiểu về chất lượng thực tế của ống kính này nhé.

Đánh giá Sigma 70-200mm F2.8 DG DN OS Sport – Nhanh hơn, nhẹ hơn và chất lượng hơn

Thông số cơ bản

  • Tiêu cự: 70-200mm
  • Hệ ngàm: L-Mount, Sony FE
  • Dải tiêu cự: F2.8 – F22
  • Vòng khẩu độ: C
  • Số lá khẩu: 11 cánh xếp tròn
  • Số thấu kính: 20 thấu kính chia thành 15 nhóm
  • Các thấu kính đặc biệt: 3 thấu kính phi cầu, 2 thấu kính tán sắc thấp (SLD), 6 thấu kính tán sắc đặc biệt (FLD)
  • Khoảng lấy nét gần nhất: 0.65m
  • Động cơ lấy nét: Động cơ tuyến tính lấy nét trong
  • Trọng lượng: 1345g
  • Chiều dài: 205mm
  • Đường kính: 91mm
  • Vật liệu: hợp kim nhôm và composite bền nhiệt
  • Đường kính bộ lọc: 77mm

Tính năng nổi bật

Trước đây, Sigma đã từng tung ra phiên bản 70-200mm F2.8 DG OS HSM dành cho các máy ảnh DSLR Canon và Nikon, và ống kính này thực sự năng với trọng lượng lên đến 1805g. Do đó, phiên bản làm lại này không chỉ cho phép Sigma xây dựng một sản phẩm dành cho các máy ảnh không gương lật, mà còn tạo cơ hội cho nhà sản xuất tái thiết kế lại hoàn toàn cấu trúc quang học của ống kính để tối ưu cấu trúc thân và bổ sung hệ thống lấy nét mới nhất.

Sigma 70-200mm F2.8 Sport có trọng lượng nhẹ hơn so với bản tiền nhiệm ở mức 1345g,

Nhờ điều đó Sigma 70-200mm F2.8 DG DN OS Sport có trọng lượng nhẹ hơn so với bản tiền nhiệm ở mức 1345g, cũng như giảm chiều dài xuống còn 77mm thay vì 85mm. Hệ thống quang học mới bao gồm 20 thấu kính chia thành 15 nhóm với 3 thấu kính phi cầu, 6 thấu kính tán sắc thấp đặc biệt (Flourite) và 2 thấu kính tán sắc siêu thấp. So với ống kính cũ có đến 24 thấu kính, hệ thống quang học này đạt chất lượng hình ảnh tốt hơn nhưng sử dụng ít thấu kính hơn.

Sigma sử dụng 2 động cơ tuyến tính phản hồi nhanh (HLA) cho hệ thống lấy nét

Đồng thời, thiết kế mới cũng giảm khoảng cách lấy nét gần nhất ở hai đầu tiêu cự xuống còn 65cm ở tiêu cự 70mm và ở 100cm ở tiêu cự 200mm, đạt tỉ số phóng đại lên đến 1:5.2 ở 200mm. Khoảng cách này dù chưa phải là macro nhưng cũng đủ gần và thực sự hữu ích. Để nâng cấp khả năng lấy nét của ống kính, Sigma sử dụng 2 động cơ tuyến tính phản hồi nhanh (HLA) cho hệ thống lấy nét. Ống kính sử dụng hai nhóm thấu kính lấy nét với mỗi nhóm có động cơ riêng giúp ống kính lấy nét với tốc độ nhanh nhất.

Hệ thống lấy nét mới cũng giúp giảm thiểu hiệu ứng ống kính thở và duy trì điểm nét khi người dùng thay đổi tiêu cự. Các động cơ tuyến tính phản ứng rất nhanh chóng và gần như ngay lập tức, cũng như hoạt động khá yên tĩnh phù hợp cho việc quay phim. Một tính năng đáng chú ý khác là hệ thống ổn định quang học với hiệu quả tối đa lên đến 7.5 stops. Tùy vào thân máy sử dụng cùng mà hiệu quả ổn định của ống kính sẽ có sự thay đổi nhất định.

Chiều dài ống kính không thay đổi khi người dùng thay đổi tiêu cự

Ống kính sở hữu thiết kế thu phóng bên trong, giúp chiều dài ống kính không thay đổi khi người dùng thay đổi tiêu cự, phù hợp khi sử dụng cùng máy ảnh trên hệ thống gimbal. Hệ thống lá khẩu bao gồm 11 cánh xếp tròn giúp ống kính đạt khẩu độ tối thiểu F22 và tối đa F2.8. Với phiên bản ngàm L, ống kính tương thích với bộ nhân tiêu cự 1.4x và 2x của nhà sản xuất.

Thiết kế và chất lượng hoàn thiện

So với phiên bản cũ, Sigma 70-200mm F2.8 DG DN OS Sport có thiết kế mới hơn để phù hợp với hệ máy mà nhà sản xuất này hướng đến. Cụ thể, phần thân ống kính sẽ có vòng khẩu độ riêng biệt được đánh dấu giá trị cụ thể và vị trí Auto rõ ràng. Người dùng có thể sử dụng vòng điều khiển này ở chế độ nảy qua từng mức khẩu độ, hoặc ở chế độ trơn để không tạo ra âm thanh nào khi quay phim. Vòng khẩu độ có thể được khóa để ngăn những thao tác vô ý của người dùng làm thay đổi giá trị khẩu độ hiện thời.

Hai vòng lấy nét thủ công và vòng thu phóng tiêu cự đều có chiều dài lớn hơn và được bọc bằng dải cao su có phần vân dày rất dễ bám. Giữa hai vòng chức năng này sẽ là 3 nút chức năng có thể được tùy chỉnh để phục vụ cho một chức năng như khóa nét hoặc lấy nét gần. Phía đuôi ống kính sẽ có nhiều công tắc một số chức năng đặt biệt bao gồm giới hạn tiêu cự, các chế độ ổn dịnh hình ảnh và công tắc 3 chế độ hoạt động.

Hai vòng lấy nét thủ công và vòng thu phóng tiêu cự đều có chiều dài lớn hơn và được bọc bằng dải cao su

Bộ giới hạn tiêu cự cho phép ống kính có thể lấy nét trong 3 khu vực gồm toàn dải nét, 3 mét đến vô cực và gần hơn 3 mét. Người dùng ống kính ngàm L có thể tùy chỉnh mốc giới hạn này thông qua thiết bị cập nhật cho ống kính của nhà sản xuất. Công tắc ổn định hình ảnh sẽ có 2 chế độ là thông dụng (1) và dành cho lia máy (2). Ống kính có phần giá đỡ có thể được lắp trên các chân máy và hỗ trợ xoay máy ảnh 360 độ linh hoạt. Người dùng có thể được tháo gỡ phụ kiện này bằng các công cụ chuyên biệt.

Ống kính có phần giá đỡ có thể được lắp trên các chân máy và hỗ trợ xoay máy ảnh 360 độ linh hoạt

Những vị trí quan trọng trên phần thân đều được bọc kín và phần ngàm có lớp đệm cao su để để ngăn ẩm và bụi có thể xâm nhập. Sigma cho biết, sự kết hợp giữa sợi carbon và nhựa ổn định nhiệt để làm vật liệu chế tạo phần thân giúp ống kính hoạt động tốt ở các môi trường có nhiệt độ cao, giảm trọng lượng nhưng vẫn đảm bảo độ bền bỉ. Nhìn chung, là một sản phẩm thuộc dòng Sport, Sigma 70-200mm F2.8 DG DN OS có mức độ hoàn thiện rất cao

Hiệu suất lấy nét và ổn định hình ảnh

Với Sigma 70-200mm F2.8 DG DN OS Sport, việc tích hợp động cơ lấy nét HLA mới là một cải tiến rõ ràng so với hệ thống động cơ bước như trên các ống kính cũ. Hệ thống động cơ kép trên ống kính này tạo ra lực đẩy mạnh hơn để di chuyển cụm thấu kính lấy nét nặng với tốc độ cao khi thay đổi điểm lấy nét. Trong các thử nghiệm thực tế khi thay đổi giữa các vị trí lấy nét với khoảng cách khác nhau, ống kính hoạt động gần như tức thời với độ chính xác cao trong điều kiện đủ sáng.

Trong điều kiện thiếu sáng, người dùng có thể cảm nhận được một chút độ trễ nhỏ nhưng điều này không ảnh hưởng đến trải nghiệm chung và vẫn đạt độ chính xác ấn tượng. Khi chụp chân dung với chế độ nhận diện mắt, ống kính đạt độ chính xác gần như hoàn hảo và chinh phục được các thử thách đặc biệt khi chủ thể nằm sau nhiều lớp đối tượng khác nhau như khi người mẫu đeo kính râm cũng không làm khó được người chụp.

Ống kính chinh phục được các thử thách đặc biệt khi chủ thể nằm sau nhiều lớp đối tượng khác nhau

Với các chủ thể di chuyển thất thường, Sigma 70-200mm F2.8 DG DN OS Sport luôn duy trì điểm nét ở vào đúng chủ thể trong quá trình lấy nét liên tục và hiệu suất hoạt động của ống kính này gần tương đương với các ống kính 70-200mm thế hệ thứ 2 của Sony. Bước sang việc lấy nét khi quay phim, không chỉ đạt hiệu quả lấy nét rất hứa hẹn, mà các hiện tượng thở của ống kính cũng được kiểm soát tốt. Đồng thời, quá trình chuyển nét giữa các chủ thể khác nhau đều rất mượt.

Hiệu suất hoạt động của ống kính này gần tương đương với các ống kính 70-200mm thế hệ thứ 2 của Sony

Để giúp hiệu suất lấy nét ổn định hơn, người dùng nên sử dụng bộ giới hạn khoảng cách nếu xác định được chủ thể sẽ nằm trong phạm vị khoảng cách nào thay vì lấy nét toàn dải. Đối với những người dùng máy ảnh Sony, các ống kính bên thứ ba đều có sự giới hạn về tốc độ chụp liên tục tùy theo từng dòng máy. Khi lắp ống kính này lên Sony A9 II hoặc A1, chiếc máy sẽ chỉ chụp liên tục ở mức 15FPS thay vì 30FPS, nhưng những hạn chế này không ảnh hưởng đến độ chính xác khi lấy nét.

Ngoài ra, hiệu suất ổn định quang học của Sigma 70-200mm F2.8 DG DN OS Sport cũng vô cùng ấn tượng khi thử nghiệm trên máy ảnh Panasonic Lumix. Sự khác biệt giữa việc bật và không bật tính năng ổn định có thể được nhìn thấy rất rõ rệt khi lia máy và hình ảnh quan sát được trong kính ngắm được duy trì ổn định cả khi người dùng chụp ảnh ở hướng dọc.

Chất lượng hình ảnh

Trong thời đại mà các máy ảnh fullframe có độ phân giải ngay càng cao như Sony A7R V với cảm biến 61MP, việc chế tạo một ống kính tối ưu được cảm biến này luôn là một thử thách với cả các nhà sản xuất máy ảnh và các hãng thứ ba. Nhưng đi cùng với sự phát triển của công nghệ, hầu hết các thương hiệu lớn đều có cho mình một hướng đi, một công thức riêng để tạo ra các sản phẩm thỏa mãn ngay cả người dùng khó tính nhất. Và Sigma cũng không ngoại lệ.

Thử nghiệm chụp ảnh với các máy ảnh Sony, ống kính Sigma 70-200mm F2.8 DG DN OS Sport có khả năng kiểm soát quang sai màu trên toàn bộ hình ảnh rất tốt ngay cả ở những vùng chi tiết dễ xảy ra quang sai nhất. Không chỉ vậy, hiện tượng tối viền và biến dạng ảnh cũng được xử lý khá tốt dù người dùng vẫn sẽ nhận ra những lỗi quang sai này khi tăng tiêu tự từ 70mm đến 200mm. Ở tiêu cự lớn nhất, các hiệu ứng này hiện diện rất rõ rệt.

Ống kính có khả năng kiểm soát quang sai màu trên toàn bộ hình ảnh rất tốt

Không chỉ vậy, ống kính còn có độ nét toàn khung hình rất tốt ở hầu hết các tiêu cự và tối ưu tốt với những ảnh máy có độ phân giải lớn. Tuy nhiên, độ chi tiết hình ảnh lại không đồng đều tại các tiêu cự khác nhau. Ống kính thể hiện tốt nhất tại các tiêu cự 70mm và 135mm và giảm dần về tiêu cự 200mm. Để cải thiện chất lượng hình ảnh, người dùng nên giảm khẩu về F4 để đạt chất lượng cao nhất và tránh các khẩu độ nhỏ hơn F8 vì hiện tượng nhiễu xạ sẽ làm giảm độ nét của ảnh.

Ống kính còn có độ nét toàn khung hình rất tốt ở hầu hết các tiêu cự và tối ưu tốt với những ảnh máy có độ phân giải lớn

So sánh về chất lượng hình ảnh với Tamron 70-200mm F2.8 G2, ống kính của Sigma có lợi thế rất tốt ở các khu vực rìa ảnh nhưng độ nét trung tâm lại chưa tương đương với sản phẩm từ đối thủ. Nhưng xét trên hầu hết các điều kiện chụp, cả hai ống kính từ Sigma và Tamron đều có thể tạo ra những hình ảnh rất sắc nét và trở thành những lựa chọn hợp lý thay thế cho ống kính của Sony với mức giá khá đắt đỏ.

Ống kính có hiệu ứng xóa phông tương đối đẹp mắt

Về hiệu ứng xóa phông, Sigma 70-200mm F2.8 DG DN OS Sport mang đến khả năng làm mờ tiền cảnh và hậu cảnh khá ổn ở khẩu độ lớn nhất, đủ sức thuyết phục với các nhiếp ảnh gia chân dung. Ngoài ra, ống kính còn có khả năng chống lóa sáng và bóng mờ rất tốt khi có nguồn sáng mạnh chiếu vào ống kính. Nhờ điều này mà người dùng có thể dễ dàng chụp ảnh chân dung ngược sáng mà không còn lo độ tương phản và độ chi tiết của hình ảnh sẽ bị giảm sút.

Nói chung, ống kính Sigma 70-200mm F2.8 DG DN OS Sport đạt hiệu suất quang học tổng thể rất tốt và gần như tiệm cận với các ống kính Sony 70-200mm F2.8 GM II cao cấp, dù vẫn có một số chi tiết nhỏ chưa thực sự hoàn hảo.

Nói chung ống kính Sigma 70-200mm F2.8 DG DN OS Sport đạt hiệu suất quang học tổng thể rất tốt

Đánh giá chung Sigma 70-200mm F2.8 DG DN OS Sport

Trong rất nhiều các ống kính thu phóng tele từ các bên thứ ba dành cho máy ảnh không gương lật, Sigma 70-200mm F2.8 DG DN OS Sport có thể được xem là lựa chọn đáng giá bởi nó tuân thủ một công thức chế tác ống kính mới cho phép tối ưu chất lượng tổng thể trên mọi khía cạnh. Người dùng nay có thể sở hữu một ống kính tele gọn nhẹ, khả năng lấy nét nhanh, hệ thống điều khiển linh hoạt và kiểm soát tốt chất lượng hình ảnh trong nhiều điều kiện với mức chi phí không thể tuyệt vời hơn.