Đánh giá Sigma 24-70mm F2.8 DG DN II Art – Giải pháp hoàn hảo cho người Sony

0
70

Là ống kính thu phóng tiêu chuẩn nhận được nhiều sự chú ý từ người dùng Sony và Lumix, Sigma 24-70mm F2.8 DG DN II Art là phiên bản nâng cấp tiếp theo với những bổ sung về tính năng và những cải tiến mới trên nhiều phương diện từ thiết kế đến hệ thống quang học. Qua đó, thương hiệu này cũng hứa hẹn những sự nâng cấp về chất lượng hình ảnh so với ống kính cùng tiêu cự từ Sony và Tamron. Trong bài viết này, hãy cùng Anh Đức đánh giá chi tiết về chất lượng tổng thể của ống kính này.

Thông số nổi bật

  • Dải tiêu cự: 24-70mm
  • Hệ ngàm: L-Mount, Sony E, Sony FE
  • Dải tiêu cự: F/2.8 – F/22
  • Vòng khẩu độ: có
  • Số lá khẩu: 11 cánh
  • Cấu trúc quang học: 19 thấu kính chia thành 15 nhóm
  • Các thấu kính đặc biệt: 5 thấu kính phi cầu, 2 thấu kính tán sắc siêu thấp (SLD), 6 thấu kính tán sắc đặc biệt (FLD)
  • Động cơ lấy nét: động cơ tuyến tính
  • Kích thước: dài 120 mm x đường kính 88mm
  • Trọng lượng: 745g
  • Đường kính bộ lọc: 82mm
  • Chống rung quang học: Không

Chất lượng hoàn thiện

Sigma 24-70mm F2.8 DG DN II Art có chiều dài là 122mm, đường kính 87.8mm và có trọng lượng khoảng 735g. Tuy sở hữu cùng kích thước với phiên bản tiền nhiệm, nhưng nhờ việc tối ưu hệ thống quang học nên ống kính đã nhẹ hơn đến 100g và giảm được đến 40mm chiều dài ống kính ở tiêu cự 70mm – một con số có tác động tương đối đáng kể lên tính linh hoạt của người dùng.

Các ống kính của Sigma được ra mắt gần đây đều có chất lượng hoàn thiện rất tốt và được bổ sung các tính năng và cải tiến mới. Với Sigma 24-70mm F2.8 DG DN II Art, nhà sản xuất đã bổ sung thêm vòng khẩu độ để mang lại trải nghiệm như trên các óng kính Sony GM. Tuy nhiên, điều này khiến kích thước của các vòng chức năng khác được điều chỉnh nhỏ hơn một chút. Đồng thời, các công tắc từng nằm trên cụm chi tiết nổi của phiên bản cũ, nay đã được tích hợp trực tiếp vào thân ống kính.

Từ phần đầu đến đuôi ngàm lần lượt là vòng lấy nét thủ công, vòng thu phóng và cuối cùng là vòng khẩu độ với hai lẫy khóa. Hai vòng lấy nét thủ công và thu phóng có kích thước tương đương nhau với độ bám tốt. Giữa hai vòng này là một khoảng nhỏ nơi đặt nút tùy biến, công tắc AF/MF và lẫy khóa vòng thu phóng. Tuy nhiên, người dùng chỉ có thể khóa vòng thu phóng ở tiêu cự 24mm, và lấy khóa được thiết kế để khi người dùng ấn mạnh sẽ tự động nhả ra để người dùng thao tác.

Cả hai vòng điều khiển này đều có độ hãm vừa phải, giúp người dùng thao tác với độ chính xác cao nhưng vẫn chuyển động rất mượt mà. Đối với vòng khẩu độ, người dùng sẽ có lẫy khóa vòng khẩu để tránh những thay đổi bất ngờ với khẩu độ và vòng khử nảy giúp thao tác xoay vòng mượt mà hơn, phù hợp cho công việc quay phim. Vòng khẩu độ hoạt động rất tốt và được khắc các giá trị khẩu độ với độ chi nhỏ nhất là 1/3 stops để người dùng kiểm soát tốt hơn.

Hệ thống quang học và tính chất ống kính

Ống kính Sigma 24-70mm F2.8 DG DN II Art sở hữu hệ thống quang học gồm 19 thấu kính chia thành 15 nhóm. Để cải thiện chất lượng hình ảnh, nhà sản xuất đã bổ sung thêm 2 thấu kính phi cầu, nâng số lượng thấu kính này thành 5 thấu kính, bên cạnh 6 thấu kính tán sắc thấp (FLD) và 2 thấu kính tán sắc đặc biệt (SLD) tương tự như phiên bản cũ. Không chỉ vậy, hệ thống khẩu độ đã nâng số cánh khẩu từ 9 thành 11 cánh, giúp vòng khẩu độ vẫn giữ được dạng hình tròn ngay cả khi người dùng khép khẩu.

Ngoài ra, Sigma cũng giảm thiểu khoảng lấy nét tối thiểu trên c hai đầu tiêu cự 24mm và 70mm. Với tiêu cự góc rộng, ống kính có thể lấy nét ở khoảng cách chỉ 17mm và lên đến 34mm với tiêu cự lớn nhất. Thêm vào đó, nhà sản xuất cũng cho biết, ống kính có khả năng kháng thời tiết tốt hơn nhờ việc bao phủ kỹ lưỡng các chi tiết quan trọng trên ống kính. Một số người dùng đã phản ảnh rằng phiên bản cũ dễ bị bám bụi sau thời gian sử dụng nên việc có lớp bảo vệ tốt hơn sẽ giúp ống kính bền bỉ và yên tâm hơn.

Ống kính của Sigma không được trang bị hệ thống ổn định quang học bên trong, nên người dùng sẽ phụ thuộc vào hệ thống ổn định bên trong thân máy (IBIS) để hạn chế hiện tượng rung lắc.

Khả năng lấy nét

Ống kính Sigma 24-70mm F2.8 DG DN II Art được trang bị động cơ lấy nét HLA (bộ truyền động tuyến tính tốc độ cao) với mô men lực đẩy lớn hơn cho phép tốc độ truyền động nhanh hơn gấp 3 lần so với các động cơ bước STM. Nhờ động cơ này mà ống kính có thể lấy nét nhanh hơn và có khả năng phản ứng tức thì với mọi tình huống cần lấy nét nhanh hoặc các tính huống mà người dùng không có nhiều thời gian để điều chỉnh.

Trong quá trình thử nghiệm chụp ảnh chân dung đơn và chụp liên tục, phần lớn hình ảnh đều được lấy nét hoàn hảo. Ống kính hoạt động gần như im lặng khi được so sánh với các ống kính cũ trước đây, đồng thời độ chính xác lấy nét cũng rất tốt khi gần như không có một tấm ảnh nào bị sai nét khi người thử nghiệm chụp liên tục.

Đối với việc quay phim, ống kính cũng có hiệu suất lấy nét tương rất ấn tượng khi các thao tác lấy nét tự động diễn ra nhanh, mượt mà, có độ chuyển tốt và gần như không xảy ra hiện tượng dò nét trên phạm vi lấy nét. Khi quay phim tại các tiêu cự chính như 35mm hay 70mm, ống kính rất ít xảy ra hiện tượng ống kính thở sẽ ảnh hưởng đến độ ổn định của góc nhìn khi lấy nét.

Nhìn chung, ống kính có hiệu suất lấy nét rất ấn tượng và có khả năng cạnh tranh mạnh mẽ với các ống kính GM của Sony. Tuy nhiên, nhược điểm chỉnh của các ống kính Sigma trên thân máy Sony là giới hạn tốc độ chụp liên tục ở mức 15 FPS với các ống kính bên thứ ba. Vì vậy, các ống kính GM sẽ có lợi thế khi sử dụng với các máy ảnh thể thao của Sony.

Đánh giá chất lượng hình ảnh

Chất lượng chung

Các ống kính có dải tiêu cự 24 – 70mm luôn đóng vai trò rất quan trọng với mỗi nhiếp ảnh gia, vì nó cho phép người dùng thực hiện nhiều thể loại nhiếp ảnh từ sự kiện, tiệc tùng, đám cưới, gia đình đén phong cảnh và thậm chí là nhiếp ảnh báo chí, thể thao. Do đó, các thương hiệu sản xuất máy ảnh và ống kính đều có sự đầu từ mạnh mẽ với các ống kính 24 – 70mm F2.8 của mình, đặc biệt là dòng ống kính Art của Sigma.

Ngoài khía cạnh ngoại hình, thiết kế quang học trên Sigma 24-70mm F2.8 DG DN II Art về cơ bản vẫn tương tự như bản tiền nhiệm, nhưng một số thấu kính phi cầu đã được làm mỏng hơn để tối ưu việc hiệu chỉnh quang sai. Không chỉ có hiệu suất kết xuất hình ảnh với độ chi tiết cao trên các máy ảnh Sony độ phân giải cao, Sigma cũng hứa hẹn kiểm soát quang sai ở mức độ tối thiểu. Trong các thử nghiệm thực tế, hình ảnh có độ chi tiết ấn tượng và quang sai cũng rất hiếm khi xuất hiện ở các vùng chi tiết có độ tương phải cao.

Khi tắt chế độ hiệu chỉnh trên thân máy, gần như không có sự khác biệt khi nói về hiện tượng tối viền và biến dạng hình ảnh giữa hai thế hệ ống kính. Độ méo trên ống kính mới tương đối đặc biệt khiến việc hiệu chỉnh thủ công tuy vẫn đạt hiệu quả tương đối tốt, nhưng vẫn kém hơn so với việc hiệu chỉnh tự động trên máy ảnh. Thêm vào đó, hiệu ứng tối viền xảy ra tương đối mạnh, thậm chỉ còn mạnh hơn so với ống kính cùng tiêu cự của Sony hay Tamron và chỉ có thể được xử lý tự động trên máy ảnh.

Độ chi tiết

Với thiết kế quang học tối ưu, độ phân giải và độ chi tiết hình ảnh cũng có sự cải thiện so với phiên bản cũ, dù rất khó có thể nhận ra sự khác biệt. Ở tiêu cự góc rộng, độ chi tiết ở vùng tâm tốt hơn khá nhiều so với vùng rìa ảnh, trong khi ống kính của Sony cho kết quả tốt hơn ở vùng rìa và vùng giữa ảnh. Ở tiêu cự 35mm, hiện tượng biến dạng và tối viền được giảm thiểu cho độ nét ở vùng giữa và vùng rìa tốt hơn một chút, thậm chí cả độ tương phản và độ chi tiết cũng hết sức ấn tượng.

Khi nâng lên tiêu cự 50mm, chất lượng hình ảnh có sự suy giảm nhe, trong khi hình ảnh ở tiêu cự 70mm có hiệu suất vùng trung tâm khá đồng đều với độ nét ở vùng giữa và vùng rìa được cải thiện khá nhiều. Ngoài ra, chất lượng hình ảnh cũng sẽ có sự cải thiện khi người dùng giảm khẩu độ so với mức F2.8. Ở khẩu độ F4, độ chi tiết toàn ảnh trên ống kính Sigma đã dần được cải thiện và sẽ đạt tối đa ở F8, nên đây sẽ là khẩu độ ưa thích của các nhiếp ảnh gia phong cảnh.

Kể từ khẩu độ F8 đến F22, hiện tượng nhiễu xạ sẽ làm giảm chất lượng hình ảnh tương đối nhiều. Nếu khẩu độ F11 vẫn cho độ chi tiết vẫn có thể chấp nhận được, nhưng ở khẩu độ nhỏ nhất, hình ảnh sẽ không đạt độ nét như mong muốn. Độ tương phản và độ phân giải hình ảnh cũng có biểu hiện tượng tự với chất lượng tổng thể tốt nhất ở khẩu độ F8

HIệu ứng bokeh và xử lý lóa sáng

Bên cạnh chất lượng hình ảnh được cải thiện, hiệu ứng bokeh trên Sigma 24-70mm F2.8 DG DN II Art rất đẹp và mềm mại, thậm chí còn ấn tượng hơn so với nhiều ống kính khác có cùng khẩu độ. Thậm chí, nếu người dùng chụp các chủ thể nhỏ ở tiêu cự 24mm trong điều kiện đủ sáng, ống kính vẫn cho khả năng xóa phông mạnh mẽ nhờ vào khả năng chụp cận ảnh ấn tượng ở khoảng cách nhỏ của ống kính.

Khả năng chng lóa sáng và bóng mờ cũng là một điểm mạnh của ống kính khi về cơ bản gần như không xảy ra những hiện tượng này khi hướng ống kính về phía nguồn sáng mạnh. Đặc biệt, khi giảm khẩu độ, ống kính mang đến hiệu ứng sao 22 cánh ở tiêu cự 24mm cũng khá đẹp.

Đánh giá tổng quan

Qua những đánh giá ở trên, có thể thấy Sigma 24-70mm F2.8 DG DN II Art có những sự thay đổi và tối ưu về mặt thiết kế và hệ thống quang học. Những nâng cấp này không chỉ giúp trải nghiệm người dùng trở nên linh hoạt hơn, mà còn cải thiện hiệu suất lấy nét tốt hơn và nâng cao chất lượng hình ảnh, cho phép ống kính có thể cạnh tranh mạnh mẽ với ống kính đến từ Sony và trở thành một lựa chọn chất lượng với mức giá hấp đẫn hơn.