Là chiếc máy compact sở hữu cảm biến APS-C mới nhất, Fujifilm X100VI không chỉ sở hữu kích thước nhỏ gọn với phong cách hoài cổ giống như các phiên bản trước đó, mà chiếc máy còn được trang bị những công nghệ tiên tiến nhất từ những dòng máy cao cấp giúp cải thiện hiệu suất hoạt động và trải nghiệm sáng tạo của người dùng. Trong bài viết này hãy cùng Anh Đức khám phá những nét nổi bật thú vị trên Fujifilm X100VI này nhé.
Mức giá và ngày ra mắt
Fujifilm X100VI dự kiến sẽ được lên kệ vào đầu tháng 3/2024 với giá bán đề xuất 1599 USD (khoảng 40 triệu). Bên cạnh đó, nhà sản xuất còn tung ra phiên bản giới hạn kỉ niệm cốt mốc 90 năm thành lập với số lượng máy giới hạn là 1934 máy, tương đương với năm thành lập của công ty. Dự kiến, phiên bản X100VI Limited Edition sẽ được mở bán từ cuối tháng 3 với mức giá là 1999 USD (khoảng 49 triệu). Phiên bản này sẽ được đóng gói trong một hộp mềm đặc biệt cùng với một dây đeo đặc biệt và nhiều phụ kiện từ Fujifilm.
Thiết kế và điều khiển
Fujifilm X100VI có thiết kế không có nhiều sự khác biệt so với các phiên bản X100 tiền nhiệm với kiểu dáng cổ điển, phần mặt trên và dưới bằng nhôm bóng với vòng xoay kép tốc độ/ISO và vòng xoay khẩu độ trên ống kính Fujinon Super EBC 23mm F2 II. Phần thân máy có các chi tiết giả da đẹp mắt và kính ngắm lai điện tử/quang học được đặt về một phía giống như thiết kế của rất nhiều máy ảnh Rangefinder trên thị trường hiện tại.
Tuy nhiên, vì có sự bổ sung của bộ IBIS nên thân máy đã dày hơn 2mm và làm trọng lượng tăng thêm 43g. Nhưng sự chênh lệch này rất khó để nhận ra và chiếc máy không có cảm giác quá năng. Chiếc máy có thể được lắp với bao da LC-X100V, đồng thời sử dụng được các phụ kiện chuyển đổi góc rộng và góc tele cho ống kính. Màn hình sau của Fujifilm X100VI vẫn có thể lật lên/lật xuống và được kéo ra khỏi thân máy 1 chút như trên X100V, nhưng góc lật xuống đã được mở rộng từ 30 độ lên 45 độ.
Hệ thống điều khiển trên Fujifilm X100VI giống hệt với các mẫu trước đó với các nút ấn và vòng xoay điều khiển kép tốc độ/ISO, khẩu độ và bù trừ với sáng. Các chế độ phơi sáng truyền thống sẽ được truy cập khi xoay các nút về vị trí A để máy ảnh kiểm soát các thông số đó. Bù trừ phơi sáng sẽ hoạt động ở tất cả các chế độ, bao gồm Manual ở chế độ ISO Auto. Vì vòng điều chỉnh tốc chỉ có các giá trị chuẩn, người dùng có thể dùng vòng xoay ở mặt sau để di chuyển giữa các nấc tốc độ giữa các vị trí này.
Ngoài các vòng xoay, mặt trước và mặt sau của Fujifilm X100VI đều có hai vòng xoay nhỏ có chức năng riêng khi ấn và đều có thể được tùy biến. Người dùng có thể điều chỉnh các thông số máy ảnh khi người dùng xoay các vòng về vị trí C hoặc về A, nhưng việc điều khiển lúc này sẽ có một số điểm không rõ ràng khi vòng ISO đều có cả nấc A và C. Và vì các vòng xoay này tương đối dễ tác động, nên người dùng chỉ nên gán một chức năng cần thiết nhất khi sử dụng chúng.
Kính ngắm
Fujifilm X100VI có kính ngắm lai kết hợp giữa kính ngắm quang và điện tử giống như X100V, với 3 chế độ hoạt động là: chỉ kính ngắm điện tử, chỉ kính ngắm quang, và kính ngắm quang với màn hình điện tử bên trong. Giống như các kính ngắm được đặt về một bên, cảm giác ngắm sẽ bị ảnh hưởng bởi hiệu ứng thị sai, tức là độ chênh lệch khoảnh cách giữa kính ngắm và ống kính. Điều đó không chỉ ảnh hưởng khi chụp các chủ thể ở gần mà vị trí các điểm lấy nét cũng sẽ có dịch chuyển nhất định.
Để hỗ trợ thao tác lấy nét, bộ công cụ hỗ trợ của Fujifilm X100VI đã có sự nâng cấp nhẹ so với X100V. Khi sử dụng kính ngắm quang, người dùng sẽ có tính năng hiệu chỉnh điểm lấy nét (Corrected AF Point) cho biết điểm lấy nét sẽ di chuyển đến đâu khi chủ thể lấy nét lại gần máy. Một tùy chọn khác là bộ nhớ vị trí lấy nét (Bright Frame Position Memory) sẽ chuyển điểm AF về lại vị trí vô cực sau mỗi lần lấy nét hoặc giữ nguyên tại vị trí lấy nét cuối cùng theo lựa chọn của người dùng.
Tính năng mới
Fujifilm X100VI kế thừa “trái tim” của 2 dòng máy là X-H2 và X-T5 khi được trang bị cảm biến BSI CMOS 40MP cùng với bộ xử lý X-Processor V, kết hợp giữa khả năng ghi hình với độ chi tiết cao và hệ thống thuật toán nhận diện chủ thể mới được huấn luyện bằng máy học. Giờ đây, chiếc máy có thêm các chế độ nhận dạng một số chủ thể như con người, động vật, phương tiện đường bộ, tàu hỏa và máy bay.
Tính năng nhận diện mắt/mặt được tách thành một chế độ riêng biệt nên người dùng có thể cấu hình nút điều chỉnh để chuyển đổi giữa chủ thể con người và chủ thể khác. So với phiên bản X100V, Fujifilm X100VI còn được bổ sung thêm bộ ổn định cảm biến mới trong thân máy với hiệu quả ổn định 6.0 stops (giảm xuống còn 5.5 stops khi sử dụng kính ngắm quang học).
Về hệ thống giả lập màu phim, Fujifilm đã bổ sung thêm các bộ màu Nostalgic Neg và Eterna Bleach Bypass từ các thế hệ máy trước, cùng với bộ màu Reala ACE mới trên dòng máy Medium Format GFX 100 II, nâng tổng số giả lập màu lên 14 loại khác nhau. Số lượng các giả lập này cùng với các hiệu ứng hữu ích đi kèm sẽ mở rộng sự sáng tạo của người dùng.
Không chỉ vậy, X100VI cũng là máy ảnh Fujifilm đầu tiên hỗ trợ tải hình ảnh lên trung tâm đám mây (camera-to-cloud hay c2c) thông qua kết nối Wifi tích hợp. Tính năng này cho phép kết nối máy ảnh với mạng Wifi ở bất kì đâu dể sẵn sàng tải hình ảnh và video trực tiếp lên nền tảng cộng tác trực tuyến trên đám mây là Frame.io của Adobe. Việc thiết lập được diễn ra nhanh chóng và dễ dàng, trong khi người dùng có tùy chọn tự động tải lên tất cả nội dung hoặc lựa chọn những tệp muốn tải lên.
Về khả năng quay phim, Fujifilm đã có sự đầu tư cho X100VI với rất nhiều tùy chọn như trên X-T5, cho phép người dùng có thể ghi hình 10-bit, với độ phân giải tối đa 6.2K (tỉ lệ cắt 1.23x, cho tiêu cự tương đương 43mm) hoặc 4K HQ lấy mẫu từ đoạn phim này. Ngoài ra, X100VI còn có ché độ quay 4K30p toàn chiều rộng khung hình và có thể nâng tốc độ lên 60fps (tỉ lệ cắt 1.14x). Cũng giống như GFX 100 II, chiếc máy có tính năng theo dõi lấy nét tự động không giới hạn các đối tượng được hỗ trợ.
Về số lượng các cổng kết nối, Fujifilm X100VI sẽ có 1 cổng 3.5mm, cổng USB-C và micro-HDMI. Người dùng có thể sử dụng cổng USB-C để theo dõi mức âm lượng thu được trong quá trình quay phim, nhưng sẽ phải mua phụ kiện đầu chuyển riêng. Bên cạnh đó, chiếc máy còn thừa hưởng nhiều cải tiếng và cập nhật đã được Fujifilm phát triển trong 4 năm qua, bao gồm:
- Chụp tệp HEIF
- Hiệu ứng mịn da
- Chế độ cân bằng trắng ưu tiên màu trắng hoặc ưu tiên môi trường
- Tùy chỉnh vùng AF và giới hạn vùng lấy nét ở chế độ AF-S hoặc AF-C
- Chế độ chụp tăng tốc trước khi lưu ảnh Pre-shot
- Bật/tắt đèn hẹn giờ
- Chụp timelapse
- Bộ lọc ND Filter được tích hợp sẵn
Dung lượng pin
Fujifilm X100VI sử dụng viên pin NP-W126S tương tự như các dòng máy cũ với số lượng ảnh tối đa khi chụp với kính ngắm quang là 450 tấm và giảm xuống 310 tấm khi dùng kính ngắm điện tử. Tuy nhiên, con số này có thể đạt gấp đôi trong nhiều tình huống chụp nhất định.
Cảm nhận chung về Fujifilm X100VI
Fujifilm X100VI có thể được xem là một sản phẩm bình cũ – rượu mới, khi sở hữu thiết kế không có nhiều sự thay đổi so với X100V từ thân máy, ống kính, màn hình và kính ngắm. Tuy nhiên, hệ thống phần cứng của chiếc máy được kế thừa toàn bộ từ các dòng máy cao cấp như X-T5 và X-H2, không chỉ với hệ thống cảm biến – bộ vi xử lý và bộ ổn định cảm biến IBIS mới, mà còn nằm ở khả năng lấy nét và nhận diện chủ thể tiên tiến nhất mà Fujifilm tích hợp cùng với rất nhiều tính năng hiện hữu ích khác.
Một số ảnh mẫu được chụp từ Fujifilm X100VI