So sánh Sony A6700 và Canon EOS R7 – Cuộc đối đầu giữa hai chiến mã APS-C

0
23

Là hai dòng máy ảnh cảm biến APS-C cao cấp, Sony A6700 và Canon EOS R7 đều được trang bị những công nghệ tiên tiến nhất nhằm tối ưu hiệu suất hoạt động tổng thể và chất lượng hình ảnh ấn tượng. Tuy nhiên, với định hướng phát triển khác nhau, hai dòng máy ảnh này có rất nhiều điểm khác biệt về thiêt kế, thông số và tính năng. Hãy cùng Anh Đức Digital đặt chúng lên bàn cân và cùng bạn đọc lựa chọn chiếc máy ấn tượng nhất.

Thông số cơ bản giữa Sony A6700 và Canon EOS R7

  Sony A6700 Canon EOS R7
Loại cảm biến Exmor R CMOS 26MP CMOS 32.5 MP
Bộ vi xử lý BionZ RX và AI Processing Unit DIGIC X
Hệ thống ổn định hình ảnh Tối 5 stops Tối đa 8 stops
Dải ISO 100 – 51200

(mở rộng 50 – 102400)

100 – 32000

(mở rộng 100 – 51200)

Tốc độ màn trập Màn trập cơ: 30 – 1/4000 giây

Màn trập đin tử: 30 – 1/8000 giây

Màn trập cơ: 30 – 1/8000 giây

Màn trập điện tử: 30 – 1/16000 giây

Tốc độ chụp liên tục 11 fps Màn trập cơ: 15fps

Màn trập điện tử: 30fps

Hệ thống lấy nét Dual Pixel Intelligent AF Dual Pixel CMOS AF II
Hệ thống nhận diện chủ thể Con người

Động vật

Chim

Côn trùng

Phương tiện giao thông: tàu hỏa, ô tô và máy bay

Con người

Động vật: Chó, mèo và chim

Phương tiện giao thông: xe đua, mô tô đua

 

Độ phân giải video tối đa 4K 120p, Full HD 240p  4K 60p, Full HD 120p
Kính ngắm EVF OLED, 0.39-inch

2.36 triệu điểm ảnh

EVF OLED, 0.39-inch

2.36 triệu điểm ảnh

Màn hình Xoay lật 3-inch

1.04 triệu điểm ảnh

Xoay lật 2.95-inch

1.62 triệu điểm ảnh

Khe thẻ nhớ 1 khe thẻ SD UHS-II 2 khe thẻ SD UHS-II
Thời lượng pin 570 ảnh 770 ảnh
Trọng lượng

Kích thước

493g

122.0 x 69.0 x 75.1 mm

612g

132.0 x 90.4 x 91.7 mm

Kết nối USB-C

Headphone/Microphone

Cổng đa giao diện MI

Micro HDMI

WIFI, Bluetooth

USB-C

Headphone/Microphone

Micro HDMI

WIFI, Bluetooth

So sánh thiết kế về điều khiển

Kích thước và hệ thống điều khiển

Ngay từ cái nhìn đầu tiên, có thể thấy Sony A6700 nhỏ và nhẹ hơn rất nhiều so với Canon EOS R7. Cụ thể, chiếc máy của Sony có trọng lượng chỉ 493g và kích thước là 122.0 x 69.0 x 75.1 mm, trong khi đó EOS R7 nặng đến 612g và có kích thước lớn hơn khá nhiều (132.0 x 90.4 x 91.7mm). Chiếc máy của Canon có phần báng cầm cao và lớn hơn, mang đến sự thoải mái khi thao tác với những ống kính tele dài và lớn.

Khi nói đến hệ thống điều khiển, Sony A6700 có 3 vòng xoay thông số, trong khi EOS R7 chỉ có 2 vòng xoay. Cả hai máy ảnh đều có nhiều nút chức năng có thể tùy biến, nhưng R7 được tích hợp lẫy chuyển AF/MF ở mặt trước để chuyển đổi chế độ lấy nét nhanh chóng. Thêm vào đó, chỉ có mẫu máy này được trang bị cần điều khiển điểm nét tương đối nhy được đặt trong một vòng xoay phía sau, mang đến khả năng điều khiển tiện lợi.

Ở mặt trên, A6700 có một vòng chức năng phụ (chụp ảnh/quay phim/S&Q) nằm dưới vòng xoay chế độ. Vòng xoay này cho phép chuyển đổi nhanh giữa 3 chức năng khác nhau và cá nhân hóa riêng các chế độ tùy chỉnh (3 lựa chọn) cho cả chụp ảnh và quay phim. Canon cũng cung cấp giải pháp tương tự với công tắc tắt/bật/quay phim nằm cùng phía với vòng xoay chế độ.

Màn hình, kính ngắm và cổng kết nối.

Cả hai máy ảnh đều có kính ngắm có cùng thông số kĩ thuật, sử dụng tầm nền OLED 0.39-inch với độ phân giải 2.36 triệu điểm ảnh và tốc độ quét đạt 120fps. Sự khác biệt duy nhất nằm ở vị trí kính ngắm khi EOS R7 đặt ở vị trí giữa như hầu hết các máy ảnh hiện đại, trong khi A6700 đặt ở góc bên trái theo mẫu máy ảnh rangefinder. Thêm vào đó, kính ngắm của Canon cũng có độ phóng đại lớn hơn 1 chút so với Sony (0.72x so với 0.70x).

Canon EOS R7 và Sony A6700 đều có màn hình LCD xoay lật cảm ứng có khả năng điều khiển hầu hết mọi chức năng. Tuy nhiên, màn hình của R7 có độ phân giải lên đến 1.6 triệu điểm ảnh trong khi A6700 chỉ đạt 1.04 triêu. Cả hai máy ảnh đều có chung nhiều cổng kết nối bao gồm Micro HDMI, microphone /headphone 3.5mm và cổng USB-C. Tuy nhiên, nếu A6700 được tích hợp cổng đa giao diện ở phần chân đế flash, thì EOS R7 có cổng 2.5mm để điều khiển từ xa.

So sánh cảm biến

Canon EOS R7 và Sony A6700 đều được trang bị cảm biến APS-C, tuy nhiên cảm biến của Sony có kích thước nhỉnh hơn một chút (23.5 x 15.6mm) so với Canon (22.3 x 14.9mm). Mặc dù vậy, R7 có độ phân giải lên đến 32.5 MP so với mức 26MP của A6700 được kế thừa từ dòng máy quay FX30, với công nghệ BSI. Cả hai cảm biến sẽ có cùng dải ISO tiêu chuẩn là 100 – 32000, tuy nhiên, A6700 đạt mốc ISO mở rộng tối đa lên đế 102.400, cao hơn 1 stops so với EOS R7 chỉ 51.200.

Cả hai thương hiệu đều cung cấp 2 tiêu chuẩn ảnh RAW chuẩn và ảnh RAW nét, với Sony là Lossless Compress và Compressed RAW, trong khi người dùng Canon có thể lựa chọn giữa RAW và C.RAW. Đồng thời, người dùng có thể lựa chọn định dạng HEIF khi chụp ảnh cùng với JPEG truyền thống.

So sánh khả năng quay phim

Sony A6700 có khả năng quay 4K 60p với tỉ lệ crop chỉ 1.04x và lấy khung hình độ phân giải cao để tạo ra các thước phim sắc nét. Nhưng tùy chọn 4K 120p sẽ có tỉ lệ crop lên đến 1.58x, sẽ làm thu hẹp trường nhìn với hầu hết các ống kính. Mặc khác, người dùng Canon EOS R7 có thể quay phim 4K30p trên toàn chiều rộng khung hình. Nhưng ở độ phân giải 4K60p, người dùng sẽ phải lựa chọn giữa 2 cách thức ghi hình: quay phim với tỉ lệ crop lên đến 1.8x, hoặc sử dụng toàn cảm biến nhưng giảm lượng dữ liệu ghi nhận sẽ tạo ra các đoạn phim kém sắc nét hơn.

Thêm vào đó, Sony A6700 còn có nhiều profile cho việc quay phim bao gồm hệ thống S-Log2/S-Log3, HLG và S-Cinetone, kết hợp cùng khả năng tải lên các bộ màu LUT tùy chỉnh một cách linh hoạt. Trong khi đó, EOS R7 chỉ cung cấp một 2 tùy chọn là C-Log 3 và HDR PQ. Cả hai máy ảnh đều hỗ trợ khả năng quay phim 10-bit 4:2:2, nhưng A6700 sẽ có tốc độ dữ liệu lên đến 600Mbps nhờ thuật toán nét All-Intra. Con số này trên chiếc máy Canon chỉ đạt tối đa 340Mbps ở tùy chọn 4K 60p.

Về thời gian ghi hình, cả hai máy ảnh dều có khả năng quay phim liên tục không giới hạn trên lý thuyết, nhưng sẽ dừng lại trong một số điều kiện nhất định.

So sánh hệ thống lấy nét

Sony A6700 được tích hợp hệ thống lấy nét lai kết hợp nhận diện pha và tương phản, Hệ thống này bao gồm 759 điểm phát hiện pha bao phủ 93% diện tích cảm biến. Mặc khác, Canon EOS R7 với công nghệ Dual Pixel CMOS AF II sử dụng hệ thống lấy nét pha toàn cảm biến, cung cấp dến 5915 điểm lấy nét đơn và 651 điểm lấy nét theo dõi chủ thể.

Cả hai chiếc máy đều có khả năng nhận diện chủ thể rất ấn tượng, Sony A6700 với bộ xử lý AI riêng biệt có thể nhận diện và theo dõi các chủ thể như người, động vật, chim, một số dạng phương tiện và thậm chí là côn trùng. EOS R7 cũng có hệ thống nhận diện ấn tượng không kém với khả năng phát hiện con người, động vật và phương tiện giao thông, đặc biệt có thể nhận diện mũ bảo hiểm của các tay đua với mô tô và những dòng xe đua có khoang lái mở.

Về hiệu suất lấy nét thiếu sáng, Sony A6700 có độ nhạy -3EV với ống kinh F2, và con số này trên EOS R7 có phần nhỉnh hơn là -3.5EV với cùng ống kính tại mức ISO 100.

So sánh tốc độ chụp

Nói về tốc độ màn trập, Canon EOS R7 có tốc độ chụp tối đa 1/8000 giây với màn trập cơ và 1/16000 giây với màn trập điện tử, trong khi hai thông số tương tự trên A6700 là 1/4000 và 1/8000 giây. Thêm vào đó, khả năng chụp liên tục của R7 lên đến 15fps với màn trập cơ và 30fps với màn trập điện tử, trong khi chiếc máy của Sony chỉ đạt mức 11fps bất kể loại màn trập nào. Tuy có tốc độ chụp liên tục ấn tượng, song EOS R7 có tốc độ đọc dữ liệu từ cảm biến tương đối chậm, dẫn đến hiện tượng méo hình rõ rệt hơn khi chụp lia máy bằng màn trập điện tử.

Ngoài ra, Canon EOS R7 có chế độ RAW Burst sẽ ghi lại 15 khung hình trước khi ấn nút chụp hoàn toàn, rất hữu ích khi chụp những khoảnh khắc có nhịp độ nhanh nhưng khó đoán trước. Ở chế độ này, tất cả hình ảnh sẽ được lưu vào một tệp RAW lớn, sau đó người dùng có thể trích xuất từng khung hình trực tiếp trên máy hoặc thông qua phần mềm Digital Photo Professional của Canon. Tuy nhiên, người dùng không thể lưu nhiều hình ảnh cùng một lúc.

Về độ lớn bộ nhớ đệm, A6700 có thể lưu đến 1000 ảnh JPEG ở tốc độ chụp tối đa nhưng sẽ chỉ lưu được 59 ảnh RAW. Tuy EOS R7 với tốc độ chụp nhanh và cảm biến độ phân giải lớn, bộ nhớ đệm của nó vẫn có thể lưu được 60 ảnh RAW (120 ảnh JPEG) ở tốc độ 30fps và lên đến 120 ảnh RAW (270 ảnh JPEG) với tốc độ 15fps.

So sánh hiệu suất ổn định hình ảnh

Cả hai máy ảnh đều có hệ thống ổn định cảm biển trong thân máy (IBIS) với hiệu suất ổn định trên EOS R7 là 8 stops và Sony A6700 chỉ 5 stops. Tuy nhiên, một số thử nghiệm với ống kinh RF, EOS R7 chỉ đạt mức 6.5 – 7 stops. Ngoài ra, hai dòng máy ảnh này đều có tính năng ổn định hình ảnh điện tử với Sony là Action SteadyShot, và Canon EOS R7 có Digital IS. Canon luôn cung cấp 2 chế độ ổn định điện tử là Enable và Enhanced với tỉ lệ crop khung hình tăng dần.

So sánh tính năng chụp chồng nét

Canon EOS R7 và Sony A6700 đều có tính năng chụp ảnh chồng nét. Tuy nhiên, mẫu máy của Canon cho phép thực hiện ghép ảnh ngay trực tiếp trên máy, trong khi người dùng Sony phải thực hiện xử lý hậu kì trên phần mềm Sony Imaging Edge.

So sánh số lượng khe thẻ nhớ và thời lượng pin

Sony A6700 chỉ có một khe cắm thẻ nhớ duy nhất hỗ trợ giao thức UHS-II nằm bên hông máy ảnh, trong khi Canon EOS R7 được tích hợp đến 2 khe thẻ nhớ cùng giao thức, mang đến nhiều tùy chọn lưu trữ dữ liệu khác nhau. Về thời lượng pin, A6700 có thể chụp được khoảng 570 tấm, trong khi con số này trên EOS R7 lên đến 770 ảnh theo chuẩn CIPA. Tuy nhiên, thời lượng pin thực tế có thể sẽ nhiều hơn so với con số này, khi EOS R7 có thể chụp được đến 2700 ảnh chú chim đang bay mà vẫn còn lại đến 78%.

Để kéo dài thời lượng pin, người dùng có thể sạc trực tiếp cho máy ảnh, sử dụng bộ sạc dự phòng thông qua cổng USB-C trên máy ở những khu vực không có nguồn điện. Tuy nhiên, cả hai chiếc máy đều không có tùy chọn báng pin bổ sung.

So sánh hệ thống ống kính

Có thể nói, Sony A6700 được hưởng lợi bởi hệ ngàm Sony E và FE có rất nhiều tùy chọn ống kính không chỉ từ hãng, mà còn từ các thương hiệu thứ ba như Sigma, Tamron và Sony với rất nhiều lựa chọn chất lượng. Tuy nhiên, đây lại chính là điểm yếu của Canon EOS R7 khi người dùng chỉ có thể sử dụng ống kính RF, dù cho các ống kính dòng Luxury lại có mức giá tương đối cao và các ống kính giá rẻ lại có chất lượng không tương xứng.

Người dùng Canon có thể tận dụng các ống kính ngàm EF thông qua ngàm chuyển để tiết kiệm một phần chi phí mà vẫn được tiếp cận với h thống ống kính đa dạng trên hệ ngàm cũ. Dù Sigma cũng giới thiệu ống kính 18-50mm F2.8 dành cho hệ ngàm RF, song điều đó là chưa đủ với nhu cầu của người dùng và vẫn cần một khoảng thời gian để nhiều thương hiệu khác như Tamron và Samyang có thể giới thiệu cá sản phẩm của mình.

So sánh mức giá

Canon EOS R7 được ra mắt vào tháng 6/2022 và hiện đang có mức giá 49.4 triệu đồng. Trong khi đó Sony A6700 được ra mắt vào tháng 7/2023 với mức giá khoảng 36 triệu động tại Anh Đức Digital. Sự chênh lệch này phản ảnh một phần sự khác biệt về trang bị, thông số và hiệu suất hoạt động của hai chiếc máy.

Kết luận về Sony A6700 và Canon EOS R7

Qua những so sánh ở trên, có thể thấy định hướng người dùng của cả hai chiếc máy đều khác nhau. Sony A6700 được đánh giá là bảng nâng cấp mạnh mẽ nhất trong dòng A6000 của Sony, hướng đến một sản phẩm nhỏ gọn, hệ thống lấy nét tiên tiến và khả năng quay phim tuyệt vời. Trong khi đó, Canon EOS R7 có cách tiếp cận khác với thiết kế hướng đến khả năng thao tác thoải mái, có nhiều tính năng chuyên nghiệp như cần điều khiển lấy nét, khe thẻ nhớ kép, cảm biến độ phân giải cao và có hiệu suất chụp liên tục rất ấn tượng.