Đánh giá chi tiết Leica SL3 – Một chiếc máy hào nhoáng và tinh tế

0
29

Là sản phẩm mới nhất trong dòng máy ảnh fullframe cao cấp, Leica SL3 là sự kết hợp giữa triết lý thiết kế của Leica và các công nghệ tiên tiến. Không chỉ sở hữu thiết kế tinh tế và trang trọng, chiếc máy còn có sự nâng cấp về cảm biến và đón nhận sự bổ sung của nhiều công nghệ mới khi hợp tác cùng Panasonic để trở thành một chiếc máy ảnh có hiệu suất cao và thân thiện với người dùng. Trong bài viết này, hãy cùng Anh Đức đánh giá tổng quan về chiếc máy này nhé.

Tính năng nổi bật

Cảm biến và bộ vi xử lý

Leica SL3 được trang bị cảm biến fullframe 60MP được tích hợp hệ thống lấy nét theo pha tương tự như dòng Q3 trước đó. Cảm biến này có dải nhạy sáng tiêu chuẩn là 100-100.000 và có thẻ mở rộng xuống mức ISO 50, đồng thời cung cấp 3 độ phân giải khác nhau là 60MP, 36MP và 18MP. Leica cho biết, các ảnh DNG độ phân giải thấp được tạo thông qua các quy trnh phc tạp nhưng vẫn giữ nguyên tính linh hoạt của ảnh DNG 60MP.

Nhà sản xuất trang bị cho chiếc máy bộ xử lý Maestro IV mới nhất với công nghệ nhận dạng chủ thể (con người và động vật) thừa hưởng từ công nghệ của Panasonic. Hệ thống này tuy còn đơn giản nhưng cũng là một bước tiến so với người tiền nhiệm. Leica SL3 có tốc độ chụp liên tục đạt 5fps khi lấy nét liên tục với màn trập cơ học, và lên đến 15fps khi lấy nét một lần với màn trập điện tử. Tốc độ màn trập kéo dài từ 60 phút đến 1/8000 giây với màn trập cơ học hoặc 1/16000 giây với màn trập điện tử.

Bộ ổn định hình ảnh và màu sắc

Leica SL3 được tích hợp hệ thống ổn định hình ảnh IBIS với hiệu quả lên đến 5 stops, nhưng hệ thống này không hỗ trợ tính năng chụp ảnh siêu độ phân giải. Một tính năng được kế thừa từ Q3 là Leica Looks, nơi xử lý các ảnh JPEG với 3 tùy chọn màu và 3 tùy chọn ảnh đơn sắc có sẵn. Các bộ màu này được đánh giá dẹp mắt và có tính nghệ thuật hơn so với màu sắc tiêu chuẩn. Tuy nhiên, người dùng cần phải tài về và cài đặt chúng thông qua ứng dụng Leica Fotos.

Khả năng quay phim và kết nối

Leica SL3 có khả năng quay phim khá ấn tượng với độ phân giải 8K/30p, 4K/60p hoặc 1080p/120fps, với giao diện được tối ưu hóa dành riêng cho việc quay phim. Người dùng có thể chuyển sang chế độ Cinema Mode với các thông số T-stops và góc màn trập như các nhà làm phim chuyên nghiệp. Bên trái chiếc máy sẽ có đầy đủ các cổng kết nối bao gồm microphone, headphone, cổng HDMI tiêu chuẩn để xuất video và cổng USB-C để sạc.

Về kết nối không giây, Leica SL3 được trang bị  Bluetooth và Wi-Fi tốc độ cao để kết nối với ứng dụng Leica Fotos. Ứng dụng này có thể chuyển ảnh DNG 60MP từ máy ảnh sang điện thoại chỉ trong vòng 2 giây, bù đắp 1 phần cho việc thiếu sót tính năng xử lý ảnh DNG trực tiếp. Người dùng có thể sử dụng điện thoại như một điều khiển từ xa để xem trước hình ảnh và điều chỉnh thông số cho phù hợp.

Đối với iPhone, người dùng có thể kết nối với điện thoại bằng cáp USB-C hoặc Lightning để truyền hình ảnh hoặc điều khiển từ xa. Phương thức kết nối này cho tốc độ truyền dữ liệu còn nhanh hơn so với kết nối không giây và có quy trình đơn giản hơn.

Một số tính năng khác

  • Màn hình nghiêng 3.2-inch, độ phân giải 2.3 triệu điểm ảnh
  • Khe thẻ nhớ: 2 khe thẻ nhớ gồm 1 khe CFexpress Type B và SD UHS-II
  • Nguồn pin: sử dụng pin BP-SCL6 có thể chụp khoảng 260 tấm và có thể sạc qua cổng Type C
  • Màn hình trên: màn hình LCD hiển thị chế độ phơi sáng, các thông số máy ảnh và bù trừ sáng.
  • Ống kính: hệ ngàm L mount tương thích với 16 ống kính từ Leica, 16 ống kính từ Panasonic và 29 ống kính từ Sigma
  • Phụ kiện: báng cầm dọc HG-SCL7 hỗ trợ chụp dọc máy và kéo dài thời gian sử dụng

Thiết kế thân máy

Giống như các dòng máy tiền nhiệm, Leica SL3 có phần thân vỏ rất chắc chắn, bền bỉ với khả năng chống bụi và tia nước IP54. Chiếc máy mỏng hơn một chút so với SL2, nhưng vẫn tương đối nặng với trọng lượng 850g và kích thước 141,2 x 108,1 x 84,6mm. Phần báng cầm không có nhiều đường cong ôm theo bàn tay như các thương hiệu khác, nhưng vẫn tạo cảm giác khá thoải mái khi sử dụng.

Triết lý thiết kế của Leica tương đối khác biệt so với các thương hiệu khác. Nếu các máy ảnh chuyên nghiệp sẽ có nhiều vòng xoay và nút bấm cho các chức năng riêng, hệ thống điều khiển trên SL3 được tinh giản đáng kể với hầu hết các nút điều khiển có thể dược tùy biến để phù hợp với thói quen sử dụng. Mỗi bộ thiết lập chức năng cho các nút ấn đều có thể được lưu lại trong User Profile với một cái tên dễ nhớ dể người dùng có thể chuyển đổi giữa các bộ thiết lập của mình.

Hệ thống điều khiển

Dù khá tương đồng với SL2, song Leica SL3 vẫn có một số cập nhật về thiết kế với sự bổ sung của vòng xoay ISO bên trái kính ngắm. Phía bên phải vẫn sẽ hai vòng xoay ở mặt trên và mặt sau để điều chỉnh tốc độ, khẩu độ và bù trừ sáng. Khi xoay vòng ISO về vị trí thấp nhất (ISO 50), một tùy chọn chuyển sang ISO Auto sẽ hiện lên để người dùng có thể xác nhận hoặc tiếp tục điều chỉnh ISO thủ công.

Một thay đổi khác nằm ở mặt sau là màn hình có thể nghiêng lên và xuống dể chụp góc cao và góc thấp. Đồng thời, Leica cũng dời cụm ba phím Play, FN và Menu từ bên trái sang bên phải để người dùng thao tác bằng bằng tay phải dễ dàng hơn. Chiếc máy không có vòng xoay chế độ phơi sáng, thay vào đó, người dùng phải nhấp vào nút xoay phía sau để chuyển đổi giữa 4 chế độ PSAM thông thường.

Không chỉ vậy, Leica cũng thay đổi công tắt bật máy trên SL2 thành nút ấn khởi động với vòng sáng báo trạng thái. Vòng sẽ có màu trắng khi sử dụng bình thường, màu đỏ khi gặp lỗi, nhấp nháy màu xanh lá khi đang sạc và chuyển sang xanh lá hoàn toàn khi được sạc đầy. Các vòng xoay chính và cần điều khiển được sắp xếp gọn trong tầm với của người dùng. Tuy nhiên, cần điều khiển không có chức năng đưa điểm lấy nét về giữa khung hình khi ấn vào mà sẽ chỉ khóa nét vào chủ thể như một nút AF-ON.

Giao diện người dùng

Leica cũng tinh chỉnh giao diện sử dụng rõ ràng và dễ sử dụng hơn trên màn hình cảm ứng. Các điểm chạm đã được giãn cách hợp lý và các biểu tượng được thiết kế lại trực quan hơn. Những sự thay đổi này giúp việc thao tác trên màn hình cảm ứng còn nhanh và tiện lợi hơn so với Menu Q thông thường. Như thường lệ, các mục trong Menu được tối giản rất dễ hiểu với số lượng vừa đủ, tạo nên bộ giao diện hợp lý nhất so với rất nhiều dòng máy ảnh khác.

Màn hình và kính ngắm

Leica đã trang bị cho SL3 kính ngắm điện tử tuyệt vời với độ phân giải 5.76 triệu điểm ảnh và có độ phóng dại 0.76x. Tuy không thể so sánh với kính ngắm 9.44 triệu điểm ảnh trên Sony A7R V, nhưng kính ngắm trên Leica SL3 vẫn rất sáng, cho hình ảnh chi tiết và rõ nét đến các góc. Các thông số máy ảnh được đặt ở trên và dưới vùng hiển thị, đồng thời bố cục này có thể xoay 90 độ khi người dùng chụp ảnh chân dung.

Màn hình trên Leica SL3 cũng có chất lượng tốt với kích thước 3.2-inch, độ phân giải 2.3 triệu điểm ảnh. Đồng thời, màn hình này sở hữu cơ chế lật nghiêng với các bộ phân cơ học chắc chắn. Leica sẽ hiển thị trước màu sắc và độ phơi sáng trong phạm vi +/- 3EV, nhưng sẽ không xem trước độ sâu trường ảnh. Người dùng có thể gán chức năng này cho một nút tùy chỉnh, và khi ấn nút đó 2 lần, máy ảnh sẽ hiển thị trước hiệu ứng làm mờ chủ thể khi chụp tốc thấp, rất hữu ích cho việc chụp ảnh phơi sáng lâu.

Ngoài tính năng trên, Leica hỗ trợ nhiều công cụ khác cho việc chụp ảnh như lưới bố cục, điều độ độ sáng, cân bằng điện tử, tìm đỉnh nét và cảnh báo vùng cháy sáng. Người dùng có thể tự tạo 4 giao diện màn hình dựa trên những công cụ này, và sau đó ấn nút FN để chuyển đổi giữa chúng. Điều này củng cố tính thân thiện người dùng nhiều hơn so với Sony, nơi mà người dùng không có nhiều lựa chọn tùy chỉnh các chế độ hiển thị thông tin.

Khả năng lấy nét

Một trong số những lĩnh vực mà Leica được hưởng lợi khi trở thành đối tác với Panasonic trong liên minh L2 là khả năng lấy nét tự động. Nếu các dòng máy trước đây dựa vào hệ thống AF tương phản có hiệu suất không ấn tượng, thì Leica SL3 được trang bị hệ thống lấy nét theo pha trên cảm biến để cải thiện khả năng bám nét vào các chủ thể chuyển động. Đồng thời, chiếc máy có khả năng nhận diện các chủ thể hiệu quả hơn, nhưng số lượng chủ thể là rất khiêm tốn so với Sony và Nikon.

Tính năng nhận diện chủ thể có thể được chọn từ một menu phụ như các tùy chọn vùng AF, cho phép người dùng có thể gán nó cho một nút tùy chỉnh để truy cập nhanh. Khi Leica SL3 nhận diện được chủ thể, chiếc máy sẽ đánh dấu các chủ thể bằng viền xanh để người dùng theo dõi. Hệ thống này thực hiện tốt việc theo dõi khuôn mặt và mắt của người mẫu, dù nó không mượt mà và ổn định như các hệ thống ấn tượng nhất.

Trong quá trình chụp ảnh thực tế, Leica SL3 hoạt động rất tốt đối với ảnh chân dung ngay cả khi chủ thể di chuyển và thay đổi tư thế, nhưng nó không thực sự nhanh. Do đó, chiếc máy này có thể không phù hợp cho nhiếp ảnh thể thao hoặc thiện nhiên hoang dã.

Hỗ trợ lấy nét thủ công

Leica đã thiết kế riêng SL3 để có thể hoạt động tốt với các ống kính ngàm M từ các máy ảnh rangefinder và ống kính ngàm R từ các máy DSLR. Bằng việc sử dụng ngàm chuyển, máy ảnh có thể nhận biết ống kính đang sử dụng để điều chỉnh khả năng xử lý hình ảnh và hiệu suất của hệ thống IBIS. Bên trong máy được tích hợp hệ thống đo sáng để ước tính khẩu độ và đưa chúng vào dữ liệu ảnh. Ngoài ra, người dùng có thể cấu hình điều khiển theo ý muốn để sử dụng tốt hơn các vòng xoay phía sau.

Máy ảnh cũng tương thích khá tốt với các ống kính MF truyền thống khác qua các bộ chuyển đổi. Tuy nhiên, người dùng nên thiết lập tiêu cự trong hồ sơ ống kính (Lens Profiles) để chiếc máy tối ưu hệ thống ổn định IBIS.

Hiệu năng hoạt động

Leica SL3 là một chiếc máy ảnh có hiệu suất mạnh mẽ. Chiếc máy gần như phản hồi ngay lập tức khi thao tác với các nút ấn và màn hình cảm ứng. Tuy việc khởi động sẽ mất một khoảng thời gian ngắn, nhưng chiếc máy sẽ ngay lập tức trở lại hoạt động từ chế độ nghỉ khi ấn nút chụp. Không chỉ vậy, tiếng màn trập cơ học trên chiếc máy cũng rất nhẹ và kín đáo để tránh bị chú ý. Người dùng có thể chuyển sang màn trập điện tử hoàn toàn im lặng, nhưng sẽ dễ bị méo hình khi chủ thể di chuyển.

Điểm yếu lớn nhất của chiếc máy này nằm ở thời lượng pin của nó. Leica SL3 sử dụng viên pin BP-SCL6 chỉ có thời lượng chụp khoảng 260 bức ảnh cho mỗi lần sạc đầy (theo chuẩn CIPA), chỉ bằng một nửa so với rất nhiều dòng máy ảnh từ đối thủ. Do đó, người dùng nên mua thêm pin dể tiếp tục thực hiện công việc.

Khả năng chụp liên tục

Leica SL3 có khả năng chụp liên tục đến 15fps (màn trập điện từ) với bộ nhớ đệm lên đến 60 ảnh. Tuy nhiên, chiếc máy không cung cấp bất kì phản hồi trực quan nào trong kính ngắm để thông báo rằng chiếc máy đang chụp, trong khi các thương hiệu khác sẽ có khung hình nhấp nháy. Tốc độ chụp này cũng sẽ chỉ thực hiện với chế độ lấy nét đơn và dễ xảy ra hiện tượng méo ảnh, trong khi tốc độ 5fps với màn trập cơ tuy có thể mở rộng bộ nhớ đệm lên 80 tấm, nhưng với một chiếc máy cao cấp thì con số này thực sự là khá chậm.

So sánh với nhiều máy ảnh có cảm biến lớn, Sony A7R V có tốc độ chụp lên đến 10fps, trong khi NIkon Z8 có thể lên đến 20fps. Không chỉ vậy, chiếc máy của Leica cũng mất khá nhiều thời gian để xóa bộ nhớ đệm, ngay cả khi người dùng sử dụng thẻ CFexpress Type B tốc độ cao. Điều này cho thấy tốc độ truyền dữ liệu của chiếc máy cũng là một yếu tố hạn chế đáng kể.

Đo sáng và cân bằng trắng

Hệ thống đo sáng và cân bằng trắng tự động tương đối đáng tin cậy trong phần lớn bối cảnh được chụp, dù đôi khi hình ảnh có thể bị trung tính quá mức, đặc biệt trong điều kiện nhiều mây. Màu sắc tiêu chuẩn của Leica cũng rất trung tính nên người dùng có thể chuyển qua các chế độ màu sắc khác để có tông màu tươi sắc hơn. Hệ thống màu sắc Leica Looks cũng rất đáng để thử với nhiều tùy chọn như Eternal tăng tính bão hòa và tương phản hoặc các tông màu dơn sắc tương đối tinh tế và trang nhã.

Chất lượng ảnh RAW

Tuy không để lại nhiều ấn tượng với ảnh JPEG, Leica SL3 có chất lượng ảnh RAW (định dạng DNG) rất ấn tượng giống như những dòng máy khác như Sony A7R, Leica M11 hay Sigma fp L và chỉ thua kém một chút so với các máy ảnh Medium Format. Ở mức ISO thấp, các tấm ảnh RAW có mức độ chi tiết rất ấn tượng và dải nhạy sáng lớn, cho phép người dùng khôi phục các chi tiết tại các vùng tối trong những bức ảnh có độ tương phản cao. Trong khi đó, nhiễu cũng được kiểm soát tốt ở mức ISO lên đến 12500.

Giống như trên M11 và Q3, Leica SL3 cũng có khả năng chụp các ảnh RAW ở các độ phân giải nhỏ hơn là 36MP và 18MP, giúp tiết kiệm một phần dung lượng bộ nhớ. Thử nghiệm chụp ảnh RAW với 3 độ phân giải của máy, gần như không có sự suy giảm nào về chất lượng hình ảnh nên người dùng có thể an tâm sử dụng.

Khả năng khử nhiễu

Với cảm biến 60MP, ảnh chụp từ Leica SL3 có độ chi tiết có thể sánh ngang với bất kỳ máy ảnh fullframe nào khác trên thị trường. Chất lượng hình ảnh rất tuyệt vời ở mức ISO 100 và không có dấu hiệu suy giảm ở mức ISO 800. Nhiễu chỉ bắt đầu xuất hiện từ ISO 1600 và có ảnh hưởng mạnh mẽ hơn khi tăng độ nhạy sáng.

Ở mức ISO 25000, nhiễu vùng tối ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng hình ảnh, nhưng với khả năng giảm nhiễu bằng AI, chất lượng hình ảnh nhìn chung vẫn đáp ứng được nhu cầu tối thiểu. Tuy nhiên, người dùng nên tránh sử dụng các mức ISO cao hơn. Dưới đây là hình ảnh so sánh về độ nhiễu giữa các mốc ISO là 100, 800, 3200, 12500 và 25000.

Tổng quan về Leica SL3

Leica SL3 là một máy ảnh fullframe đặc biệt với những nâng cấp tương đối ấn tượng về khả năng xử lý hình ảnh, hệ thống nhận diện chủ thể và sở hữu giao diện thân thiện hơn so với bản tiền nhiệm. Tuy sở hữu nhiều hạn chế khiến nó kém hấp dẫn hơn so với các máy ảnh khác cùng phân khúc, nhưng những trải nghiệm và chất lượng hình ảnh mà Leica mang lại hoàn toàn đáp ứng được những yêu cầu khắc khe của các nhiếp ảnh gia trong cả khâu chụp ảnh và hậu kì.